Tài Chính

Giá hàng hóa đẩy giá cổ phiếu

Vũ Hoài Thứ Hai | 21/03/2022 08:24

Cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thế Vinh.

Đà tăng giá dầu đã góp phần đẩy giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này tăng cao.
Cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thế Vinh.

Cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Nga và Ukraine là 2 quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm kim loại, phân bón, nông sản, dầu và khí đốt. Tâm lý lo ngại này đã đẩy giá các hàng hóa nói trên, vốn đang neo ở mức cao do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt 2 năm đại dịch, một lần nữa quay trở lại vùng đỉnh.

Dựa theo sóng hàng hóa, thị giá của các cổ phiếu cũng được đẩy lên cao, trong đó có cổ phiếu ngành dầu khí. Theo số liệu thống kê của NCĐT đối với 13 cổ phiếu thuộc ngành dầu khí được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong 1 tháng qua (16/2-16/3), các cổ phiếu phần lớn đều đạt mức tăng trên 10% về thị giá.

 

Trong đó, PTV của Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí là cổ phiếu ghi nhận đà tăng mạnh nhất, đạt hơn 103,5% chỉ trong vòng 1 tháng. Thuộc Top 2 tốc độ tăng trưởng về thị giá là cổ phiếu PVC của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí với đà tăng hơn 88,3%.

Có một điểm khá thú vị là một số cổ phiếu được giới phân tích đánh giá tích cực, hưởng lợi từ giá dầu thì gần như lại có diễn biến ngược lại với đà tăng của ngành. Điển hình như PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam và BSR của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn lại ghi nhận mức giảm lần lượt 4,7% và 2,7% trong vòng 1 tháng qua. Các cổ phiếu khác như OIL (Tổng Công ty Dầu Việt Nam), PVE (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí) và POS (Công ty Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC) cũng ghi nhận đà tăng dưới 10%.

Trong khi đó, nhìn ở góc độ phân tích, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research đã đưa ra nhận định hồi đầu tháng 3/2022 rằng dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. SSI Research cho rằng giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL.

Ảnh: ictnews.
 Tâm lý lo ngại này đã đẩy giá các hàng hóa nói trên, vốn đang neo ở mức cao do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt 2 năm đại dịch, một lần nữa quay trở lại vùng đỉnh. Ảnh: ictnews.

Trước đà tăng mạnh của giá dầu, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết họ nhận thấy hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn sẽ được hưởng lợi theo đà tăng của giá bán như các doanh nghiệp sản xuất trung và hạ nguồn. VDSC đánh giá khả quan đối với những cổ phiếu như PLX, BSR và OIL.

Khi tìm hiểu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí, có một điểm khá thú vị nữa là có những doanh nghiệp mặc dù có “vỏ ngoài” là dầu khí nhưng “hồn” lại là những ngành nghề trọng yếu khác. Có thể kể đến như Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET). Trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu PET đã tăng hơn 19,1%, thuộc nhóm các cổ phiếu tăng mạnh nhất trong ngành.

Tuy nhiên, khi xem xét đến hoạt động của Petrosetco thì đóng góp chính vào doanh thu không phải là hoạt động liên quan đến dầu khí, mà lại là bán lẻ. Trong 2 năm 2019 và 2020, doanh thu từ mảng điện - điện tử chiếm lần lượt 78,3% và 88% trong cơ cấu tổng doanh thu của Công ty. Đối với mảng phân phối sản phẩm công nghệ thông tin, điện gia dụng và y tế, hiện Petrosetco đang phân phối các sản phẩm điện thoại di động như Apple, Samsung, Intel...; các sản phẩm công nghệ thông tin như máy tính xách tay và phụ kiện máy tính. Cùng với đó là các sản phẩm về thiết bị y tế và vật tư thiết bị ngành nha khoa.

 

Thực tế, thời gian qua giá hàng hóa tăng cao cũng thúc đẩy đà tăng của nhiều cổ phiếu như ngành phân bón, sắt thép và cả dầu khí, nhưng theo đánh giá của VDSC, hoạt động “đầu cơ theo giá hàng hóa” đã đưa giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng nhanh và mạnh. Trái với diễn biến giá cổ phiếu, VDSC không cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa.

Nhìn nhận về thị trường chung, ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, cho rằng năm 2022 mức độ hồi phục về lợi nhuận hay EPS của doanh nghiệp sẽ vào khoảng 20-24%. “Đấy là lý do tôi cũng đồng tình với các bên phân tích khác về kỳ vọng của chỉ số VN-Index khoảng từ 1.700-1.800 điểm”, ông Vinh nói.

Cũng theo chuyên gia Võ Thế Vinh, nếu như Chính phủ vẫn cho thấy khả năng kiểm soát tốt lạm phát thì thị trường sẽ dần cởi bỏ được tâm lý bi quan và VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.500 điểm. Từ đó sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền và sẽ hình thành được xu hướng tăng điểm trong quý II sắp tới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày