Tài Chính

Giảm lãi suất nhưng không cào bằng

Phương Anh Thứ Tư | 21/07/2021 14:00

Các ngân hàng lo ngại tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên ngành ngân hàng vẫn chưa đến vì có độ trễ lớn. Ảnh: Quý Hòa.

Các ngân hàng xác định chỉ giảm lãi suất cho các đối tượng thực sự khó khăn...
Các ngân hàng lo ngại tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên ngành ngân hàng vẫn chưa đến vì có độ trễ lớn. Ảnh: Quý Hòa.

Sacombank mới đây cho biết sẽ giảm lãi suất 1%/năm cho các khoản vay doanh nghiệp và cá nhân đang chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay. Các lĩnh vực có thể chịu ảnh hưởng như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…

Đồng thuận giảm lãi suất

Động thái này diễn ra sau khi có 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch trong cuộc họp được tổ chức bởi Hiệp hội Ngân hàng mới đây, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng này gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank.

Tại cuộc họp, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB, cho biết trước mắt, Ngân hàng sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm với mức lãi suất có thể giảm 1 điểm phần trăm hoặc hơn. Đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là doanh nghiệp sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).

Ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên Hội đồng Thành viên Agribank, thì cho biết dự kiến đưa ra mức giảm lãi suất bình quân khoảng 1 điểm phần trăm/ năm, trong đó có những khoản vay được giảm 0,5 điểm phần trăm, nhưng cũng sẽ có các khoản vay được giảm 2-2,5 điểm phần trăm.

 

Tuy nhiên, tại cuộc họp đồng thuận giảm lãi suất, các ngân hàng xác định chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn, chứ không “cào bằng”. Đại diện Techcombank cũng cho rằng nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn. “Những doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất”, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết.

Đợt giảm lãi suất này mang đến hy vọng mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp dường như đã chạm tới ngưỡng chịu đựng từ năm ngoái đến nay.

Ảnh: Quý Hòa.
Những doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Quý Hòa.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định, nếu các ngân hàng thực sự muốn giảm, thì có thể đồng loạt giảm cho một đối tượng cụ thể và phải áp dụng chung cho toàn ngành. Trong khi đó, câu chuyện đồng thuận giảm lãi suất hiện nay có thể tạo ra tâm lý tiêu cực khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục nằm ngoài danh sách hỗ trợ mới đây của các ngân hàng.

Tùy thuộc sức khỏe từng ngân hàng

Nhiều ngân hàng cho biết để hỗ trợ giảm lãi suất 1 điểm phần trăm/năm, mức lợi nhuận có thể đánh đổi sẽ rất lớn. Chẳng hạn, đại diện LienVietPostBank cho biết với tổng dư nợ hiện nay, ngân hàng này giảm lãi suất bình quân 1 điểm phần trăm/năm thì sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỉ đồng. Con số này ở Sacombank và BIDV là cả ngàn tỉ đồng.

Do đó, tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cũng lưu ý, các ngân hàng nên linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo sức khỏe của mình để có mức giảm phù hợp.

Trên thực tế, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều ngân hàng liên tục báo lãi tăng, có ngân hàng tăng cao kỷ lục trong khi thực tế doanh nghiệp phản ánh rằng rất khó tiếp cận đến sự hỗ trợ của ngân hàng, thậm chí gây phản cảm.

Ngược lại, phía ngân hàng tỏ ý lo ngại về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên ngành ngân hàng chưa đến vì có độ trễ lớn. “Hiện tại, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trong tương lai khi nợ xấu do đại dịch gây ra, ai sẽ chia sẻ với ngành ngân hàng. Do vậy, hỗ trợ phải trên tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhấn mạnh.

Với các ngân hàng, lãi suất một khoản vay vẫn cao nguyên nhân đơn thuần vì rủi ro vẫn ở mức cao. Nhưng mặt khác, việc cố gắng duy trì lãi suất cao cũng giúp bù đắp tổn thất cho những khoản vay không thể thu hồi khác. Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ nhu cầu tín dụng trong thời gian qua là rất lớn, nhưng ngân hàng phải “gạt bớt” để dựng hàng rào bảo vệ cho mình.

Do đó, việc “giải cứu” hay hỗ trợ nền kinh tế hiện nay vẫn dựa vào từng trường hợp cụ thể. Các yếu tố ảnh hưởng sẽ là sức khỏe của mỗi khoản vay nói riêng, rủi ro ngành nói chung và chính sức khỏe của từng ngân hàng. Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank, các ngân hàng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, quốc gia rất cần “một người khỏe” và đó là ngân hàng, nếu ngân hàng yếu thì nền kinh tế sẽ yếu.

 

Tính đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỉ đồng.

Cuối năm 2020, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết các doanh nghiệp nằm trong danh mục hỗ trợ vì COVID-19 trong năm đã phục hồi “tốt hơn dự kiến”. Trong 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh khả quan, đại diện MB đánh giá.

Tăng trưởng tín dụng trên thực tế đang tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ, nhiều ngân hàng cũng đang “xin” tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng để có thể nhanh chóng mở rộng cho vay. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng lên, lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ khó có thể giảm thêm, thậm chí có thể điều chỉnh tăng nhẹ trong nửa cuối năm, có thể là rào cản đối với mong muốn giảm lãi suất cho vay trên thị trường.

“Điều quan trọng nhất tại thời điểm này là làm sao duy trì được nguồn tín dụng, đặc biệt là các khách hàng đã được tái cơ cấu. Để giữ được doanh nghiệp, quan trọng nhất là “mạch máu lưu thông”, chứ không phải là “tăng cân hay giảm cân”. Việc xem xét cho vay mới với những khách hàng cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ cần có cái nhìn cởi mở hơn”, ông Thắng, Techcombank, chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày