Tài Chính

Người Nhật vung tiền M&A tài chính

Phương Anh Thứ Năm | 16/09/2021 08:00

Ngân hàng SHB công bố bán 100% vốn Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri). Ảnh: TL.

Nhà đầu tư nhật tăng tốc M&A trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.
Ngân hàng SHB công bố bán 100% vốn Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri). Ảnh: TL.

Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) công ty tài chính đã sôi động trở lại với sự góp sức đáng kể từ nhà đầu tư Nhật. Điển hình như mới đây, Ngân hàng SHB công bố bán 100% vốn Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Ban đầu, Ngân hàng sẽ chuyển nhượng 50% vốn, sau đó sẽ chuyển phần còn lại sau 3 năm.

Người Nhật tăng tốc

Mặc dù là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan (về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi) nhưng đứng sau Krungsri lại là Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) với tỉ lệ sở hữu lên tới 76,88%. MUFG được biết đến là tập đoàn tài chính lớn nhất nước Nhật và một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, MUFG cũng là cổ đông chiến lược của VietinBank.

Một tập đoàn tài chính lớn khác của Nhật là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cũng dự kiến hoàn tất thương vụ mua 49% cổ phần FE Credit, công ty tài chính chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần nội địa, trong tháng 9. SMBC cũng là đơn vị có đầu tư vào Ngân hàng Eximbank với tỉ lệ sở hữu 15%.

Trước đó, người Nhật cũng đã chen chân vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam dưới hình thức M&A. Chẳng hạn, Ngân hàng HDBank với thương hiệu HD Saison, Ngân hàng MB với thương hiệu Mcredit. Tất cả đều là nhà đầu tư chiến lược với tỉ lệ sở hữu 49%.

Năm 2019, trên thị trường cũng xuất hiện thông tin tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật) muốn mua lại HAFIC (công ty tài chính nhà nước cần tái cấu trúc) nhưng không thành công. AEON cũng sở hữu Công ty ACS Việt Nam, đơn vị hoạt động theo mô hình mua hàng trả chậm từ năm 2008. 

 

Trên thực tế, các nhà đầu tư Nhật xuất hiện tại thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam từ sớm, vì gắn liền với nhiều sản phẩm mang thương hiệu Nhật mà người Việt thường ưa chuộng. Không chỉ có ACS, xuất hiện từ giai đoạn đầu của thị trường cho vay tiêu dùng tài Việt Nam đã có yếu tố Nhật như JACCS hay Toyota Finance. Có thể thấy các sản phẩm rất cơ bản như mua hàng trả chậm, mua xe, mua đồ gia dụng, nhưng sau đó các đơn vị này cũng không đẩy mạnh mở rộng thêm thị trường.

Tại Việt Nam, vẫn còn “hàng” là các công ty tài chính để các nhà đầu tư nước ngoài “đi săn”. Ngân hàng MSB cho biết dự tính bán toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cộng đồng (FCCOM), thay vì mức 50% như trước dự kiến. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB, cho biết, hiện có 2-3 đối tác đang làm việc, dự kiến có thể hoàn tất thương vụ bán vốn trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. 

Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu nhà đầu tư mua lại FCCOM đến từ Nhật hay Hàn Quốc, 2 quốc gia dẫn đầu về dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp tại Việt Nam, đi cùng với đó là hệ sinh thái các doanh nghiệp nội, các chuyên gia và cả người lao động.

Dư địa còn hấp dẫn

Tiềm năng thị trường vay tiêu dùng còn rất lớn với quy mô dân số trẻ, ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Con số tăng trưởng những năm tiếp theo được dự báo ở mức 13-15%.

Thế nhưng, theo FiinGroup, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của thị trường vay tiêu dùng năm 2020, xuống thấp ở mức 10,7%. Đơn vị này nhận định, hầu hết các công ty tài chính đã tăng trưởng chậm lại đáng kể vì đại dịch COVID-19, cho vay thận trọng hơn vì lo ngại nợ xấu tăng lên. Một số công ty còn tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động tốt hơn khi đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các mô hình kinh doanh tinh gọn.

Ảnh: Quý Hòa.
FE Credit đã bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật. Ảnh: Quý Hòa.

Trong khi đó, người trong cuộc vẫn đánh giá cuộc chơi này đầy hấp dẫn trong trung và dài hạn. Chẳng hạn, ông Seiichiro Akita, Chủ tịch kiêm CEO Krungsri, bình luận thương vụ mua lại SHB Finance là “nhấn mạnh cam kết với chiến lược mở rộng thị trường ASEAN theo kế hoạch kinh doanh trung hạn trong giai đoạn 2021-2023”.

Cơ hội nằm ở rất nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng mà Krungsri có thế mạnh. Tại Thái Lan, Krungsri là nhà phát hành thẻ lớn nhất với 9,6 triệu thẻ tín dụng, tài trợ bán hàng và các tài khoản cho vay cá nhân trong danh mục cho vay. Đơn vị này cũng nằm trong nhóm dẫn đầu về dịch vụ cho vay ô tô, quản lý tài sản và cả tài chính vi mô.

Từ phía công ty nội địa, phủ nhận chuyện bán cổ phần FE Credit là “bán gà đẻ trứng vàng”, lãnh đạo VPBank khẳng định tài chính tiêu dùng là lĩnh vực nhiều rủi ro, nhưng đặc biệt phát triển ở những nước có nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu tiêu dùng lớn. “Tài chính tiêu dùng sẽ gặp trở ngại trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhưng nếu được bình ổn, tăng trưởng ổn định thì lĩnh vực này tạo ra giá trị không hề nhỏ”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết tại buổi trao đổi với nhà đầu tư gần đây.

 

Dù đang gặp khó nhưng lãnh đạo VPBank kỳ vọng sẽ đưa lợi nhuận FE Credit năm 2022 dự kiến trở lại mốc 6.000 tỉ đồng, tức tương tương mức kế hoạch trong năm 2020. Kế hoạch tăng trưởng tiếp theo là rất tham vọng với tốc độ tăng trưởng duy trì như trước khi có COVID-19. “Lợi nhuận riêng của FE Credit có thể sánh ngang với top 5 ngân hàng Việt Nam trong khoảng thời gian 3-4 năm tới”, ông Vinh chia sẻ tầm nhìn sau khi FE Credit có sự tham gia của SMBC.

Cùng với quy mô độ lớn của thị trường, thách thức với các công ty tài chính đồng thời là những sản phẩm của fintech (công nghệ tài chính). Mới đây, Ví điện tử MoMo bắt tay với TPBank để ra mắt sản phẩm “dùng trước trả sau”, một sản phẩm tương tự như thẻ tín dụng. VietCredit cũng bắt tay với Kredivo, một fintech đến từ Indonesia, để triển khai sản phẩm này. Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu Coherent Market Insights, quy mô thị trường này trên toàn cầu ước tính tăng trưởng hơn 21% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2027.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày