Tài Chính

Nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường

Vũ Hoài Thứ Năm | 08/04/2021 14:45

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Đâu sẽ là nhóm ngành dẫn dắt trước thềm công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 của các doanh nghiệp?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Có một sự thật rằng ở trong một thị trường uptrend (tăng giá),  không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng giá. Và mỗi cổ phiếu sẽ diễn biến theo một cách riêng, có cổ tăng nhiều, có cổ tăng ít thậm chí có nhiều cổ phiếu còn giảm mạnh ngay trong xu hướng tăng. Thế mới thấy, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư là một điều hết sức quan trọng.

Sau hơn 13 năm, chỉ số VN-Index cũng chính thức chinh phục và xác lập vùng giá mới trên ngưỡng 1.200 điểm vào phiên giao dịch 1.4.2021. Liệu đâu sẽ là nhóm ngành dẫn dắt trong thời gian tới, khi kết quả kinh doanh quý I đang dần hé lộ? Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Minh, Giám đốc Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam để tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset Research, NCĐT.
Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset Research, NCĐT.

Theo ông Minh, khả năng ba nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Đầu tiên là khối ngân hàng với sự công bố tăng trưởng thu nhập được duy trì tốt như năm 2019 và 2020. Mặc dù chưa có số chính thức nhưng theo ghi nhận, nhiều ngân hàng thương mại có mức lợi nhuận qúy I năm 2021 còn tốt hơn cả năm 2020.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, các doanh nghiệp Bất động sản cũng có thể dẫn dắt thị trường khi kết quả lợi nhuận cũng dự kiến tốt hơn trong năm 2021 khi nhiều vướng mắc về pháp lý được khơi thông. Cuối cùng là nhóm ngành liên quan đến logistics. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và các hoạt động giao thương quốc tế làm cho nhu cầu sử dụng các dịch vụ logistics ngày càng cao.

 

Xét thêm về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam, việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng là một động thái được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Lý giải về đà bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Minh đánh giá việc khối ngoại bán ròng có lẽ liên quan đến chiến lược của các quỹ ngoại hơn là yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam.

“Tôi đánh giá đây là động thái khá quyết liệt và có phần khác thường khi dòng tiền ra không phản ánh hết sự tích cực từ yếu tố nội tại của nền kinh tế (GDP tăng trưởng dương, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, kết quả tích cực từ việc chống dịch, FDI, …). Như vậy ngoài các yếu tố nội tại, tôi cho rằng yếu tố bên ngoài có thể giải thích cho hành vi này”, ông Minh nhận xét.

Một trong những yếu tố đến từ giá trị một số ngoại tệ tăng mạnh, trong đó có đồng USD và đồng Korea Won. Cả hai đồng tiền trên đều tăng khảng 2% so với cuối năm 2020 và dự kiến xu thế này còn tiếp tục. Ngoài ra, các thị trường phát triển bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong năm 2020 thì đến năm 2021 cũng có sự phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên quan sát một vài phiên gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm bán ròng và thậm chí mua ròng ngày 5.4.2021. Thậm chí trong một vài phiên tới ông Minh kỳ vọng sẽ có một số dòng vốn đổ vào các doanh nghiệp niêm yết lớn như Masan Group và một số bluechips khác. Có thể nói tháng 4 là tháng bản lề để kỳ vọng một sự thay đổi trong xu thế mua bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

* Có thể bạn quan tâm 

► Thông tư 03 tác động như thế nào đến các ngân hàng niêm yết?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày