Tài Chính

Nổi sóng Embedded Finance

Nguyễn Sơn Thứ Sáu | 31/12/2021 08:00

Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại di động để duyệt, mua và thanh toán các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Ảnh: TL.

Tài chính nhúng (embedded finance) là sân chơi mở rộng và tham vọng hơn của fintech truyền thống.
Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại di động để duyệt, mua và thanh toán các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Ảnh: TL.

Đảm bảo sự xuyên suốt trong đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng đang là xu thế được các nhà bán lẻ hướng tới. Mới đây, Thế Giới Di Động bắt tay chuỗi cầm đồ F88 để cho khách hàng vay tiền mặt. Quá trình làm thủ tục và giải ngân khoản vay qua tài khoản ngân hàng chỉ trong 15 phút.

Khách hàng có thể đến các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh để vay tiền mà không cần thiết phải mua hàng, nhưng bắt buộc phải cung cấp giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe chính chủ. Số tiền vay tối đa là 10 triệu đồng. Tổng chi phí vay là 7,5%/tháng, trong đó lãi suất là 1,1%. Khách hàng phải trả gốc và chi phí vay trong vòng 12 tháng. “F88 là mảnh ghép để Thế Giới Di Động hướng tới phục vụ khách hàng trọn vẹn tại một điểm đến”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, chia sẻ.

Sau khi tiếp quản hệ thống VinMart và VinMart+, Tập đoàn Masan triển khai ngay kế hoạch biến chuỗi này thành các điểm “Point of Life” cho khách hàng. Trong đó, chuỗi sẽ tích hợp thêm dịch vụ ngân hàng và tài chính từ đối tác Techcombank.

 

Tích hợp dịch vụ tài chính vào dịch vụ là một thành phần của lĩnh vực tài chính nhúng - phân khúc được đánh giá có khả năng bùng nổ mạnh mẽ nhờ nền tảng kết nối kỹ thuật số và di động. Đặc biệt bán lẻ dự kiến chiếm gần một nửa thị trường tài chính nhúng nhờ việc số hóa các dịch vụ bán lẻ như ví điện tử và các tùy chọn tài chính linh hoạt.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, các dịch vụ tài chính số ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tạo ra doanh thu khoảng 38 tỉ USD vào năm 2025. Hoạt động cho vay số cũng đã có được đà phát triển khi Việt Nam bước vào “nền kinh tế không tiếp xúc” sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và sẽ mang lại nhiều cơ hội để tạo ra doanh thu.

Có 3 xu hướng chính sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này. Đó là chất lượng thanh toán được xem là một phần của trải nghiệm tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngày càng sử dụng các tùy chọn thanh toán linh hoạt, chẳng hạn như mua ngay trả sau (BNPL), tăng chuyển đổi bán hàng và trao quyền cho người mua khi thanh toán.

Hình thức tài trợ cho vay tại điểm bán hàng (POS) ngày càng phổ biến, hướng tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đi cùng với cơ hội tiếp cận khoản vay ngắn hạn. Khối lượng các khoản thanh toán trả góp, thanh toán linh hoạt hay tín dụng ngay tại chỗ đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, với mức tăng 20% năm 2021.

Một động lực thúc đẩy khác là sự phổ biến của ví điện tử. Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại di động để duyệt, mua và thanh toán các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Một số dự báo cho thấy ví điện tử sẽ chiếm 51% thanh toán thương mại điện tử vào năm 2024.

Ảnh: TL.
Khách hàng có thể đến các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh để vay tiền mà không cần thiết phải mua hàng, nhưng bắt buộc phải cung cấp giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe chính chủ. Ảnh: TL.

Nghiên cứu của nền tảng ngân hàng đám mây Mambu cho thấy, tài chính nhúng có thể đạt giá trị 3.500 tỉ USD cho lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong 10 năm tới. Ở Việt Nam, các ngân hàng và tổ chức tài chính bắt đầu nắm bắt tài chính nhúng và những cơ hội mang lại, đặc biệt là phục vụ cho một thị trường tiềm năng với dân số trẻ, kỹ thuật số và tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh rất cao. 

“Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong khu vực châu Á, chứng kiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với các dịch vụ như mua ngay trả sau đang tăng nhanh và các doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu này”, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu tại Việt Nam, nhận định.

Theo ông Minh, các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước cần áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái fintech để tận dụng thị trường mới này, từ đó triển khai các dịch vụ tài chính nhúng. Điều quan trọng nữa là các ngân hàng phải đảm bảo rằng họ đang đầu tư vào công nghệ phù hợp để xây dựng và nâng cao các dịch vụ kỹ thuật số của riêng họ.

 

Gần đây Masan đã mua lại 70% cổ phần của Mobicast JSC, đơn vị đang vận hành đầy đủ dịch vụ Mạng ảo di động (MVNO). Như vậy, Masan bước đầu đã thiết lập sự hiện diện trong lĩnh vực bán lẻ và tài chính, 2 trụ cột đầu tiên của hệ sinh thái tiêu dùng.

Ngoài bán lẻ, các lĩnh vực khác dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng lớn của tài chính nhúng còn có chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ chiếm 17% thị trường, tương đương 1.200 tỉ USD, sau khi một loạt công ty công nghệ cung cấp các khoản thanh toán và bảo hiểm liên quan đến sức khỏe. Giáo dục có thể chiếm 7% thị trường tài chính nhúng, tương đương 500 tỉ USD. Điều này được thúc đẩy bởi ngành công nghệ giáo dục đang bùng nổ và nhu cầu cho vay ngày càng tăng trong bối cảnh mức nợ của sinh viên đang ở mức kỷ lục.

Khảo sát của Mambu ghi nhận 60% sinh viên muốn vay trực tiếp từ cơ sở giáo dục hơn là ngân hàng. 81% người tiêu dùng sẽ quan tâm đến việc mua bảo hiểm sức khỏe thông qua một ứng dụng và gần một nửa sẽ sẵn sàng trả một khoản phí bảo hiểm cho khả năng truy cập di động. Các phát hiện này phản ánh sự gia tăng của “tài chính mọi nơi” trong thời kỳ đại dịch và khả năng của các lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật số đáp ứng nhanh hơn với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày