Tài Chính

Tỉ giá thoát áp lực

Minh Đức Thứ Ba | 22/08/2023 07:30

USD khó sốt trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa. Ảnh: Quý Hoà.

Sau 6 tháng ổn định, trong nửa cuối năm 2023, vẫn còn nhiều rủi ro có thể gây sức ép lên tỉ giá.
USD khó sốt trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa. Ảnh: Quý Hoà.

Những tháng đầu năm, tỉ giá VND/USD giữ được sự ổn định trong bối cảnh có liên tiếp các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cùng với những lo ngại suy thoái kinh tế, bất ổn tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, áp lực đối với tỉ giá tăng dần từ đầu tháng 7 khi Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) đối với các ngân hàng trung ương khác. Ngoài ra, giai đoạn này VND còn phải chịu áp lực mang tính mùa vụ từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.

Khi tỉ giá vượt mốc 24.000 VND/USD và Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán lên mức cao nhất trong lịch sử, có nhiều lo ngại về việc tỉ giá tăng mạnh sẽ gây áp lực lên thị trường khi Ngân hàng Nhà nước sẽ cần cân đối lãi suất ngắn hạn để tạo sự hấp dẫn của VND. Nhiều dự báo nghiêng về khả năng trong ngắn hạn, tỉ giá có thể sẽ tiếp tục biến động tăng tương đối, khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, có thể can thiệp bằng cách hút VND trên hệ thống liên ngân hàng, giảm tốc độ mua USD cho dự trữ ngoại hối hay tạm hoãn các kế hoạch cắt giảm lãi suất chính sách.

 

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn và có nhiều kịch bản cho xu hướng chính sách tiếp theo của FED, chúng tôi bày tỏ quan điểm thận trọng đối với xu hướng nói chung của đồng USD so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế và từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới diễn biến tỉ giá trong nước trong thời gian sắp tới”, ông Vũ Bình Minh, CFA, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và sản phẩm lãi suất, Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, nhận định.

Báo cáo của VNDirect cũng đưa ra nhận định “cần cẩn trọng với biến động tỉ giá trong giai đoạn cuối năm 2023” khi tính từ đầu năm 2023, tỉ giá VND/USD đã tăng khoảng 0,5%. Một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỉ giá trong nửa cuối năm 2023, bao gồm (1) chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng; (2) lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III.

Tuy nhiên, áp lực tỉ giá có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích lũy trở lại. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 đạt 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11,58 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đến hết tháng 6 lượng kiều hối đổ về TP.HCM đã tăng trưởng 37%, đạt 4,33 tỉ USD.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 sẽ ở mức 95 tỉ USD. Ngoài ra, các thương vụ bán vốn lớn của Ngân hàng SHB, Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Vincom Retail hoặc động thái phát hành trái phiếu quốc tế của Vinamilk thời gian tới cũng sẽ mang về nguồn ngoại tệ lớn cho hệ thống. 

Trong khi đó, FED có thể chỉ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa khoảng 0,25 điểm phần trăm trước khi dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ lại và bắt đầu chu kỳ nới lỏng mới từ đầu năm 2024. Nếu xảy ra phương án này sẽ giảm áp lực chêch lệch lãi suất cho đồng VND. Theo dự báo của VNDirect, tỉ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, nhưng tỉ giá VND/USD sẽ dao động không quá +/- 2% so với đầu năm 2023.

Vì vậy, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “USD khó sốt trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa”. Đặc biệt, dù giá nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu gây áp lực với tỉ giá nhưng Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).

Có thể bạn quan tâm:

Lãi suất giảm gánh tổng cầu yếu


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày