Thế giới

Bong bóng bất động sản Trung Quốc vỡ sẽ còn rung chuyển nền kinh tế nhiều năm

Bảo Hân Thứ Sáu | 14/10/2022 15:47

Các tòa nhà dân cư ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Làn sóng kích cầu - gồm hàng tỉ USD cho vay, cắt giảm lãi suất - nhằm hồi sinh thị trường nhà ở Trung Quốc vẫn như muối bỏ bể.
Các tòa nhà dân cư ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi nhiều nhà kinh tế cho rằng tình trạng suy thoái của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc sẽ không thể tồi tệ hơn nữa và các gói kích thích sẽ phát huy tác dụng trong năm nay hoặc năm sau, thực tế đối với những người mua bán nhà lại đang ảm đạm hơn rất nhiều. 

Doanh số bán nhà và giá cả vẫn chậm chạp trong bối cảnh kinh tế suy thoái xen lẫn các hạn chế vì COVID-19. Niềm tin của người tiêu dùng gần chạm mức thấp kỷ lục và một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương cho thấy 73% hộ gia đình kỳ vọng giá bất động sản sẽ không thay đổi hoặc giảm trong thời gian tới. Ngay cả kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, thường là thời điểm thịnh của mua bán bất động sản, thì doanh số vẫn giảm 38%.

 

Động thái của giới chức

Đối với các nhà chức trách Trung Quốc, hiện tại ít vấn đề nào quan trọng hơn việc thị trường nhà ở đang bị cản trở bởi các chính sách của chính Bắc Kinh, nhằm giảm rủi ro tín dụng trong khi làm cho nhà ở có giá cả phải chăng hơn dưới danh nghĩa "thịnh vượng chung”.  

Bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP và gần 40% tài sản hộ gia đình. Khi bong bóng với kích thước như vậy nổ, khó có chính phủ nào có thể chèo lái nền kinh tế nước nhà khỏi khủng hoảng, minh chứng là những nỗ lực trước đó ở Nhật Bản vào năm 1989 và ở Mỹ vào năm 2007-08.

Trong số các động thái gần đây nhất, chính quyền trung ương đang cho phép gần 20 thành phố giảm lãi suất thế chấp. Các nhà quản lý tài chính đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh lớn nhất mở rộng hỗ trợ ít nhất 600 tỉ nhân dân tệ cho ngành này. Bắc Kinh thậm chí còn đưa ra mức giảm thuế hiếm hoi cho những người mua nhà mới trong vòng một năm kể từ thời điểm rao bán.

Nhưng cho đến nay, chưa có động thái nào giúp khôi phục niềm tin vào một lĩnh vực đã phải chịu đựng nỗi đau vô tận trong 18 tháng qua.

Một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy 45% chủ đầu tư không có đủ lợi nhuận để bù vào nợ đáo hạn và 20% trong số họ có thể mất khả năng thanh toán với mức giá nhà đất hiện tại.

Tác động lan tỏa

 

Tình trạng hỗn loạn đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chưa từng có. Cuộc khủng hoảng tiền mặt của các công ty bất động sản làm trì trệ tiến độ xây dựng trên khắp Trung Quốc, khiến hàng trăm nghìn chủ nhà từ chối thanh toán thế chấp cho đến khi nhà của họ được khởi công. 

Tác động lan tỏa tiềm tàng đối với nền kinh tế là rất lớn. Hàng triệu hộ gia đình đang chứng kiến ​​tài sản mất giá trong khi các hạn chế do COVID liên tục kéo lòng tin của người tiêu dùng xuống. Việc này dẫn đến tiết kiệm tăng kỷ lục và nhu cầu vay vốn yếu nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay. Tính tới tháng 9 năm nay, các ngân hàng đã nới room tín dụng ít nhất kể từ năm 2015.

Cuộc suy thoái hiện thái hiện tại đã bước sang năm thứ 2 và phá vỡ mọi kỷ lục trước đó, trở thành đợt sụt giảm mạnh nhất và dài nhất kể từ những năm 1990. Trong khi doanh số bán hàng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến tăng nhẹ trong những tuần đầu tiên của tháng 9, thì thị trường chung tính theo giá trị USD của 100 công ty lớn nhất vẫn giảm 25% vào tháng 9 so với một năm trước đó.

Đáy thị trường

Một số nhà kinh tế nói rằng các động thái chính sách, cùng với việc nới lỏng dần các hạn chế của COVID, có thể giúp thị trường tìm được mức sàn trong năm nay và ổn định vào năm 2023. Một số ít cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ sẽ đến.

“Các biện pháp của chính phủ là nhằm ngăn chặn những khó khăn trên thị trường bất động sản tràn sang nền kinh tế chứ không phải chỉ dể kích thích thị trường nhà ở”, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết. Theo họ, thị trường sẽ không phục hồi cho đến quý II năm sau.

 

Những người lạc quan chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc sẽ thúc đẩy mức chi tiêu mới. Tuy nhiên, theo Bloomberg, xu hướng này đang chậm lại, với khoảng 65% dân số Trung Quốc hiện đang sống ở các thành phố. Nguồn cung nhà ở cần giảm khoảng 25% để phù hợp với nhu cầu cơ bản (không bao gồm những người đầu cơ) dự kiến vào năm 2031, theo ông Chang Shu, nhà kinh tế khu vực châu Á tại Bloomberg Economics. 

Ngay cả khi Bắc Kinh thực hiện các bước để thúc đẩy thị trường, chính phủ vẫn kiên định với quan niệm: “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” - thể hiện lập trường không chút hứng thú với việc quay trở lại kỷ nguyên phát triển của thập kỷ trước. Hoàn thiện những ngôi nhà chưa hoàn thiện là giảm thiểu bất ổn xã hội và bảo vệ sự ổn định tài chính.

Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, không có nhà kinh tế nào cho rằng suy thoái sẽ xảy ra trong thời gian gần, ước tính trung bình là GDP sẽ tăng 5,1% vào năm 2023, tăng từ 3,4% trong năm nay.

Riêng quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã vẽ nên bức tranh ảm đạm của riêng mình về cách mà tình trạng sụt giảm nhà ở có thể biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Trong một kịch bản của IMF, 15% các ngân hàng nhỏ có thể phá sản. 

Có thể bạn quan tâm: 

Làn sóng Insurtech thâm nhập mạnh vào Đông Nam Á

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày