Thế giới

Chi tiêu cho năng lượng sạch toàn cầu đạt mức 1,8 nghìn tỉ USD

Nguyên Hồ Thứ Tư | 31/01/2024 17:09

Theo Liên hợp quốc, nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất là 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và thế giới đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù thế giới đã chi một số tiền kỷ lục để khử carbon vào năm 2023, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo Liên hợp quốc, nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất là 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và thế giới đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023. Ảnh: Bloomberg.

Chi tiêu toàn cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã và đang đạt mức cao kỷ lục khi thế giới ngày càng chú trọng kiểm soát biến đổi khí hậu, tuy nhiên những nỗ lực hiện tại vẫn chưa đủ để đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Tổng chi tiêu cho năng lượng sạch đã tăng 17% trong năm ngoái lên 1,8 nghìn tỉ USD, theo báo cáo từ BloombergNEF. Con số này bao gồm các khoản đầu tư để lắp đặt năng lượng tái tạo, mua xe điện, xây dựng hệ thống sản xuất hydro và triển khai các công nghệ khác. Cộng thêm các khoản đầu tư vào xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch, cũng như 900 tỉ USD tài trợ khác, tổng nguồn vốn tài trợ vào năm 2023 đạt khoảng 2,8 nghìn tỉ USD.

 

Theo báo cáo của IEA, công bố hôm 10/1, công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng 50%, lên 510 gigawatt (GW) trong năm 2023, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp công suất năng lượng tái tạo bổ sung lập kỷ lục mới.

Cũng theo cơ quan này, mức tăng trưởng ấn tượng là tiền đề để các chính phủ trên toàn cầu đáp ứng cam kết đã được nhất trí tại cuộc đàm phán ở hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc hồi tháng 11/2023, là tăng gấp ba công suất năng lượng sạch vào năm 2030 nhằm giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Đây là một trong năm mục tiêu khí hậu chính của COP28 được thiết kế để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, cùng với việc tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm lượng khí thải mêtan, chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch và tăng quy mô hỗ trợ tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Song nhu cầu nhiên liệu hóa thạch cũng cần phải giảm 25% vào cuối thập niên này để thế giới có thể hạn chế thành công sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận Paris 2015, theo IEA. Theo Liên hợp quốc, nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất là 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và thế giới đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023.

Giám đốc IEA, ông Fatih Birol, cho biết: “Thật tuyệt vời khi chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục và mang tính lịch sử của năng lượng tái tạo”, ông cho biết thêm, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đang trên đà tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030.

Ông tin rằng, các chính phủ có những công cụ cần thiết để tăng tốc hơn nữa trong các nỗ lực triển khai năng lượng sạch nhằm đạt mục tiêu của COP28. Đồng thời ông nhận thấy việc chi phí tăng nhanh mà các nhà phát triển điện gió ở Mỹ và châu Âu đang đối mặt sẽ không tác động quá nhiều đến sự tăng trưởng dài hạn của ngành. Song, sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn và chi phí tốn kém hơn từ chuỗi cung ứng buộc một số nhà phát triển phải hủy bỏ các dự án điện gió xa bờ lớn trong năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về tương lai của công nghệ này.

Tuy nhiên, ông Birol giải thích, đợt tăng chi phí vừa qua chỉ mang tính chu kỳ và đã bắt đầu giảm bớt.

Theo báo cáo của IEA, năng lượng mặt trời chiếm 3/4 công suất năng lượng tái tạo mới được lắp đặt trên toàn thế giới vào năm ngoái. Hầu hết năng lượng mặt trời mới trên thế giới đều được sản xuất tại Trung Quốc, nước đã lắp đặt công suất mới lớn hơn các nước trên thế giới cộng lại trong năm 2023. IEA ước tính, trong năm 2023, Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi công suất năng lượng mặt trời và tăng 66% công suất năng lượng gió.

IEA ghi nhận tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt kỷ lục trên khắp châu Âu, Mỹ và Brazil đã đưa năng lượng tái tạo đi đúng hướng để vượt qua than, trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025. IEA dự báo đến năm 2028, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% tổng sản lượng điện toàn cầu.

Theo IEA, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận tài chính, tăng cường quản trị và tạo ra các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo. Đây là những điều cần thiết để giảm rủi ro cho nhà đầu tư cũng như thu hút đầu tư, IEA cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Làn sóng "xuất ngoại" của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày