Trước tình hình trên, nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF cảnh báo một vụ vỡ nợ có thể tác động tiêu cực tới không chỉ kinh tế Argentina, mà còn toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.

Chỉ còn chưa đầy một tuần là đến hạn phải trả hết nợ hoặc đứng trước nguy cơ tuyên bố phá sản, các quan chức Argentina đã gặp nhân vật trung gian là luật sư Daniel Pollack, phái viên đặc biệt do Thẩm phán tòa án liên bang Mỹ tại New York Thomas Grieasa chỉ định, để cố gắng phá vỡ thế bế tắc hiện nay, nhưng từ chối đàm phán trực tiếp với đại diện các quỹ đầu tư.

Luật sư Daniel Pollack cho biết sau khi nói chuyện với tất cả các bên liên quan thì ông đã hối thúc các bên đàm phán trực tiếp. Theo ông, đại diện của các chủ nợ đồng ý đàm phán trực tiếp, trong khi đại diện của Argentina từ chối.

Hiện tại, các vấn đề mà hai bên còn bất đồng vẫn chưa được giải quyết. Quỹ NML Capital, một trong những chủ nợ chính của Argentina, nhận định Chính phủ Argentina không nhiệt tình để giải quyết vấn đề nợ.

Hạn chót để Argentina thanh toán nợ là ngày 30/7 đang đến gần, thời gian cho Argentina không còn nhiều để giải quyết hậu quả của vụ vỡ nợ năm 2001, đã đẩy nước này vào khủng hoảng kinh tế mà đến nay vẫn phải nỗ lực hồi phục.

Chính phủ Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010, theo đó những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý tham gia kế hoạch tái cơ cấu nợ và nhận về số tiền thấp hơn rất nhiều mệnh giá của trái phiếu./.