Thế giới

Giảm phát dai dẳng của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào với nhà đầu tư?

Hải Miên Thứ Tư | 21/02/2024 17:33

Khách hàng mua rau tại một khu chợ ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò dự kiến ​​áp lực giảm phát tại Trung Quốc sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm 2024.
Khách hàng mua rau tại một khu chợ ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Tình trạng giảm phát của Trung Quốc ngày càng khó khắc phục. Giá cả tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm ba quý liên tiếp, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Xu hướng này dường như sẽ tiếp tục, làm tăng thêm thách thức cho các nhà hoạch định chính sách khi họ cố gắng khởi động động cơ tăng trưởng của đất nước và xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ đang âm ỉ.

1. Tại sao Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát?

Giá cả tăng vọt ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác khi mở cửa hậu đại dịch COVID-19, do nhu cầu bị dồn nén cùng với sự thiếu hụt nguồn cung nhiều mặt hàng. Viễn cảnh tưởng chừng như cũng sẽ xảy ra tại Trung Quốc cuối cùng đã không diễn ra. Sức chi của người tiêu dùng yếu và sự sụt giảm của ngành bất động sản đã làm giảm niềm tin, khiến người dân không muốn mua những món hàng giá trị lớn. Trong đó, ngành sản xuất chứng kiến giá giảm nhiều nhất. Các quan chức đang nới tín dụng cho các nhà sản xuất để tăng sản lượng, nhưng nhu cầu trong nước yếu và xuất khẩu trì trệ đang buộc các doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm của mình. Giá năng lượng cũng giảm khi nguồn cung toàn cầu phục hồi sau cú sốc do cuộc chiến Nga-Ukraine.

Trung Quốc đã rơi vào giảm phát với Chỉ số giảm phát GDP đã âm trong 3 quý cuối của năm 2023. Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc đã rơi vào giảm phát với Chỉ số giảm phát GDP đã âm trong 3 quý cuối của năm 2023. Ảnh: Bloomberg.

2. Tại sao tình trạng giảm phát của Trung Quốc khó khắc phục?

Bắc Kinh đã phản ứng lại những đợt giảm phát trong quá khứ bằng việc nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ và các gói kích thích tài chính lớn. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng cường kích thích tài khóa một lần nữa trong năm nay, nhưng kế hoạch của nước này vẫn chưa rõ ràng cho đến khi ngân sách quốc gia được công bố vào tháng 3. Mặc dù cam kết đẩy nhanh một số dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường hỗ trợ cho thị trường nhà ở đang suy thoái, nhiều nhà kinh tế không mong đợi sự bùng nổ xây dựng quy mô lớn như trước đây. Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm chuyển nền kinh tế sang các động lực tăng trưởng mới, chẳng hạn như công nghệ tiên tiến. Một lý do khác khiến chính phủ có thể miễn cưỡng tung ra các đợt kích thích lớn là lo ngại rằng việc vay nhiều hơn sẽ làm tăng thêm rủi ro trong hệ thống tài chính.

3. Vậy chính phủ có những lựa chọn nào?

Các nhà kinh tế nhìn chung nhận thấy, cần phải thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, trong đó chính phủ trực tiếp bơm thêm tiền vào nền kinh tế hoặc khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp và hộ gia đình vay nhiều hơn. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi các cơ quan chức năng áp dụng các chính sách tích cực hơn là cắt giảm lãi suất và cắt giảm lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Trung ương, các bước đã được thực hiện vào năm 2023, nhưng chỉ có hiệu quả khiêm tốn. Để thúc đẩy lâu dài niềm tin của người tiêu dùng và khuyến khích người dân chi tiêu, chính phủ sẽ cần phải chấm dứt tình trạng suy thoái trên thị trường bất động sản. 

4. Sản phẩm nào đang giảm giá nhiều nhất?

Theo phân tích của Bloomberg Economics về CPI, giá thực phẩm giảm là nguyên nhân lớn nhất. Trong lĩnh vực thực phẩm, sự sụt giảm đặc biệt rõ rệt ở giá thịt lợn,  loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất thịt lợn lớn tăng cường sản xuất với kỳ vọng tiêu dùng sẽ bùng nổ vào năm 2023, nhưng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vẫn yếu hơn nhiều so với dự kiến. Giao thông vận tải cũng là một lực cản khác, chủ yếu do giá ô tô giảm. Một cuộc chiến về giá đã nổ ra giữa các nhà sản xuất ô tô bao gồm Tesla và BYD vào năm 2023, với giá của gần 900 mẫu ô tô có thời điểm giảm hơn 5%. Tuy nhiên, giá cả nhìn chung không hề giảm. Chi tiêu cho các dịch vụ, chẳng hạn như du lịch và nhà hàng, đã tăng mạnh kể từ khi các hạn chế về đại dịch kết thúc, với giá cả tiếp tục tăng trong các lĩnh vực đó.

Rổ CPI của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Rổ CPI của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

5. Liệu giảm phát có giảm bớt vào năm 2024?

Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò dự kiến ​​áp lực giảm phát sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm 2024. Ngoài ra, các biện pháp kích thích của chính phủ và niềm tin hộ gia đình tăng dần dự kiến ​​sẽ đẩy tăng trưởng giá tiêu dùng trong cả năm lên 1%, với giá sản xuất tăng. 0,2%. Ngân hàng trung ương Trung Quốc dự đoán giá tiêu dùng sẽ “phục hồi vừa phải”. Tuy nhiên, dự báo lạm phát ở Trung Quốc không đáng tin cậy, với rất ít nhà phân tích dự đoán tình trạng giảm phát kéo dài vào đầu năm ngoái.

6. Điều đó có ý nghĩa gì đối với nhà đầu tư nước ngoài?

Khi các nhà sản xuất Trung Quốc giảm giá để thanh lý nguồn cung dư thừa, điều đó có thể lan sang những nơi như Mỹ và châu Âu, góp phần hỗ trợ các Ngân hàng Trung ương tại khu vực này khi họ nỗ lực kiềm chế lạm phát. Trong khi người tiêu dùng trên toàn thế giới có thể được hưởng lợi từ hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, động thái này có thể làm căng thẳng thương mại leo thang nếu các nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng bởi mức giá cạnh tranh. Tác động rõ ràng nhất đến nhà đầu tư nước ngoài có thể là mức doanh thu bị biến động mạnh của các công ty Trung Quốc. Theo đó, trái phiếu có tiềm năng tăng giá cao, giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn trong thời điểm khó khăn. Trong khi những lo ngại về tăng trưởng và hạn chế đầu tư thường thúc đẩy các chính phủ triển khai chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, khiến trái phiếu quốc gia trở nên hấp dẫn hơn.

Có thể bạn quan tâm:

 Chi tiêu Tết Nguyên đán của Trung Quốc tăng vượt mức trước đại dịch

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày