Thế giới

Khủng hoảng chính trị tại Venezuela

Mạnh Đức Thứ Năm | 24/01/2019 08:57

Người dân Venezuela đổ ra đường biểu tình vì đời sống ngày càng khốn khó. Ảnh: Reuters

Venezuela hiện đối mặt với nguy cơ phe đối lập sẽ vận hành một chính phủ song song khi ông Juan Guaido tự nhận là Tổng thống lâm thời.
Người dân Venezuela đổ ra đường biểu tình vì đời sống ngày càng khốn khó. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nicolas Maduro dẫn dắt Venezuela từ năm 2013. Ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai từ ngày 10.1 sau một cuộc bầu cử bị nhiều người tẩy chay vào năm ngoái. Nhiều chính phủ nước ngoài gọi đây là "bầu cử giả dối".

Reuters cho biết, phát biểu trước hàng trăm nghìn người ủng hộ ở phía đông thủ đô Caracas ngày 23/1, lãnh đạo đảng đối lập Juan Guaido cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro đã “tiếm quyền”. Ông này tự nhận sẽ đảm nhận mọi vai trò của một "tổng thống lâm thời" và cam kết sẽ thành lập ra một chính quyền lâm thời giúp kinh tế Venezuela thoát khủng hoảng.

Trong tuyên bố phát đi hôm qua không lâu sau khi ông Guaido tự nhận là tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ ông Guaido, trong khi gọi ông Maduro là lãnh đạo “không hợp pháp”. Ngoài ra, Canada và nhiều nước Mỹ Latinh như Brazil và Colombia đã lên tiếng ủng hộ ông Juan Guaido.

Khung hoang chinh tri tai Venezuela
Ông Guaido

"Chúng tôi chưa cân nhắc giải pháp nào, nhưng mọi phương án đều được đặt lên bàn", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23.1 trả lời báo giới tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu Washington có xem xét điều lực lượng quân đội đến Venezuela hay không.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ công nhận tư cách tổng thống lâm thời của lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido, người vừa "tuyên thệ nhậm chức" trước đó vài giờ.

Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc phe đối lập tìm cách đảo chính với sự hỗ trợ của Mỹ. Ông tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Washington và cho phái đoàn ngoại giao Mỹ 72 giờ để rời khỏi nước này. 

Hãng thông tấn AP hồi tháng 7.2018 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Trump từng đề xuất sử dụng phương án quân sự với Venezuela vì bất ổn ở nước này đe dọa an ninh khu vực.

Mối quan hệ Mỹ - Venezuela căng thẳng kể từ khi cựu Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền vào năm 1999. Maduro thường xuyên cáo buộc Mỹ cố tình gây bất ổn cho nước này để chiếm nguồn dầu mỏ. Năm 2017, Venezuela đối mặt với nhiều khó khăn cả về chính trị và kinh tế. Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra khi đời sống của người dân ngày càng khốn khó.

Ông Maduro cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đang tìm cách điều hành Venezuela, quốc gia bị khủng hoảng kinh tế vì siêu lạm phát, từ Washington.

Khung hoang chinh tri tai Venezuela
Ông Maduro.

Động thái của ông Guaido đẩy Venezuela lâm vào tình cảnh chưa từng thấy. Quốc gia Nam Mỹ này hiện đối mặt với nguy cơ phe đối lập sẽ vận hành một chính phủ song song, được các chính phủ nước ngoài công nhận là hợp pháp nhưng lại không thể kiểm soát các chức năng nhà nước.

Bất chấp sự ủng hộ của Washington và các đồng minh dành cho ông Guaido, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino khẳng định, quân đội nước này sẽ không chấp nhận một tổng thống chịu sự áp đặt của "các lợi ích đen tối". Báo RT dẫn lời ông Padrino nói, quân đội Venezuela sẽ tiếp tục bảo vệ hiến pháp và chủ quyền quốc gia.

"Tôi sẽ tiếp tục sử dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế và ngoại giao của nước Mỹ để lập lại nền dân chủ ở Venezuela", ông Trump nói trong một tuyên bố.

Theo một số nguồn thạo tin, chính quyền ông Trump có thể áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của Venezuela ngay trong tuần này. Sản lượng dầu của Venezuela hiện đang ở mức thấp nhất 70 năm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Một số dự báo cho rằng siêu lạm phát của Venezuela có thể lên tới 10 triệu phần trăm trong năm nay, khi nước này rơi sâu hơn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa từng thấy. Khoảng 3 triệu người Venezuela đã di cư ra nước ngoài trong 5 năm qua để thoát khỏi tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men trong nước.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày