Thế giới

Niềm tin kinh doanh Nhật Bản giảm mạnh trong quý II

Thứ Ba | 01/07/2014 18:38

Khảo sát tankan của ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết, niềm tin của các nhà sản xuất lớn đã giảm mạnh sau đợt tăng thuế hồi tháng 4.
Tháng 6, chỉ số niềm tin - thể hiện quan điểm của các nhà sản xuất lớn về tình hình kinh tế hiện tại - đã giảm xuống 12 điểm so với 17 điểm của tháng 3, thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia là 16 điểm.

Niềm tin kinh doanh giảm là do các hộ gia đình tại Nhật Bản thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng lớn như ôtô, nhà cửa sau khi chính phủ tăng thuế giá trị gia tăng lên 8% hồi tháng 4.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp có quan điểm lạc quan về nền kinh tế vẫn cao hơn so với những người bi quan.

Kết quả khảo sát tankan trên hơn 1.000 doanh nghiệp của ngân hàng trung ương (BOJ) phản ánh, thực tế trái ngược so với quan điểm cho rằng, kinh tế Nhật Bản vẫn hoạt động hiệu quả ngay cả khi hoạt động tiêu thụ suy yếu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là, quá trình phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản đang chậm lại.

Đợt tăng thuế giá trị gia tăng hồi tháng 4 là một phép thử lớn đối với chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe với chủ trương tập trung vào những biện pháp kích thích tiền tệ táo báo và chi tiêu công.

Khảo sát tankan cũng chỉ ra những quan điểm khác nhau của khối doanh nghiệp lớn về hoạt động kinh doanh trong quý III.

Chỉ số triển vọng mà các doanh nghiệp đặt ra là 15 điểm, không cao hơn nhiều so với chỉ số hiện tại. Tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp lớn dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 4,6% trong năm tài chính 2014.

Cũng theo báo cáo này, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư vốn 7,4% trong năm tài chính 2014 tính đến tháng 3/2015.

Thời gian gần đây, phần lớn quan chức chính phủ Nhật Bản đều cho rằng, nền kinh tế đang thích ứng khá nhanh với đợt tăng thuế vừa qua, thúc đẩy chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại bày tỏ quan điểm thận trọng khi các số liệu kinh tế đều thể hiện tình trạng suy yếu của nhu cầu nội địa.

Tuy nhiên, ngày 1/7, Nhật Bản lại đón nhận tín hiệu tích cực khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất theo Markit/JMMA tăng lên 51,5 điểm trong tháng 6, cao hơn chỉ số sơ bộ 51,1 điểm và 49,9 điểm của tháng trước đó.

Chỉ số PMI tăng trên ngưỡng suy giảm - tăng trưởng cho thấy, nhu cầu trong nước của Nhật Bản đang nhanh chóng phục hồi từ sau đợt tăng thuế giá trị gia tăng.

Nguồn Theo DVO/ Wall Street Journal, Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày