Thế giới

Nở rộ thị trường cho vay tác phẩm nghệ thuật

Thứ Ba | 10/11/2015 15:03

Thị trường cho vay bằng tác phẩm nghệ thuật được dự báo sẽ vượt 10 tỉ USD năm nay, tăng gấp đôi kể từ năm 2011.

Trả mức lãi suất đi vay chưa tới 1% là điều mới mẻ đối với tỉ phú sòng bài Steve Wynn. Đó là mức lãi suất mà ngân hàng Mỹ Bank of America đã ưu ái dành cho ông khi ông vay tiền bằng cách dùng bộ sưu tập nghệ thuật đắt giá của mình làm tài sản thế chấp.

Ông trùm sòng bài này, vốn là một nhà sưu tập có tiếng, đã dùng 59 tác phẩm nghệ thuật làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay từ Bank of America, một trong những bước đi gần đây ông đã thực hiện để huy động vốn, theo các cuộc phỏng vấn và hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý.

Không chỉ Wynn, Steven Cohen, J. Tomilson Hill và Michael Steinhardt cũng nằm trong số những nhà sưu tập giàu có đã đi vay ngân hàng bằng cách lấy bộ sưu tập nghệ thuật của họ để làm tài sản cầm cố, theo các hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu tín dụng trong lĩnh vực này đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Nhu cầu rất nhiều từ các nhà sưu tập đang cần tiền và cả những người mua bán các bộ sưu tập đó - những người đang nhìn thấy cơ hội trên thị trường này”, ông Asher Edelman, nhà sáng lập và Chủ tịch công ty tài trợ vốn cho các giao dịch nghệ thuật ArtAssure, cho biết.

Các nhà sưu tập thường vay để rót tiền vào các thương vụ làm ăn khác, mua thêm các tác phẩm khác hoặc để trả nợ. Đối với Wynn, tài sản cá nhân của ông đã giảm khoảng 766 triệu USD, tương đương 29%, xuống mức ước tính 1,9 tỉ USD năm nay, theo Bloomberg. Điều này chủ yếu cho thấy giá trị cổ phần ông nắm giữ trong công ty mà ông sáng lập - Wynn Resorts - đang sụt giảm. Cổ phiếu của công ty này đã mất hơn phân nửa giá trị trong năm 2015, đưa nó trở thành cổ phiếu diễn biến tồi tệ thứ 4 trong chỉ số Standard & Poor’s 500.

Wynn thường trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong các khu resort của mình, trong đó có nhiều bức được cầm cố cho Bank of America. Những tác phẩm nghệ thuật được Wynn mang đi thế chấp cho Bank of America có thể trị giá 200 triệu USD, theo Beverly Schreiber Jacoby, người đã làm công tác đánh giá, thẩm định người vay và người cho vay trong 25 năm qua và cũng là người đã xem hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý nhưng chưa tận mắt xem bộ sưu tập của Wynn.

Trong khi đó, Wynn, thông qua phát ngôn viên của mình, cho biết khoản ước tính này là chưa chính xác nhưng từ chối đưa ra con số cụ thể. Mặc dù chưa biết Wynn đã trả bao nhiêu để sở hữu những tác phẩm này, nhưng trong số các tác phẩm nghệ thuật được liệt kê trong tài liệu vay là 3 tác phẩm đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s: Number 12 của Jackson Pollock đã thu về 18 triệu USD vào tháng 5 vừa qua; một bức tượng điêu khắc hình đầu người của Alberto Giacometti được bán với giá 50 triệu USD vào năm 2013; và tác phẩm Double Elvis của Andy Warhol được bán với giá 37 triệu USD vào năm 2012.

No ro thi truong cho vay tac pham nghe thuat
Tác phẩm Double Elvis của Andy Warhol được bán với giá 37 triệu USD vào năm 2012 - Ảnh: telegraph.co.uk

Việc ngày càng nhiều tỉ phú dùng các bộ sưu tập nghệ thuật để thế chấp vay tiền đã cho thấy một xu hướng đang lên: thị trường cho vay nghệ thuật đang nở rộ. Việc Wynn được cấp mức lãi suất chưa tới 1% cũng cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường này, khi các tổ chức cho vay tìm cách chiêu dụ và giữ chân các khách hàng giàu có của mình với những điều khoản ưu đãi nhất.

Xưa nay lĩnh vực cho vay nghệ thuật được thống trị bởi các nhà đấu giá và các ngân hàng như Citigroup, JPMorgan Chase và Bank of America. Nhưng mức giá kỷ lục dành cho các tác phẩm nghệ thuật và sự tăng mạnh về giá trị tài sản của những người giàu nhất thế giới đang thu hút những người chơi mới, trong đó có tập đoàn đầu tư tư nhân Carlyle Group và nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Pictet Group. Họ đang dùng các mức lãi suất thấp để thu hút và giữ chân những khách hàng lớn nhất.

“Chúng tôi thường nghe thông tin từ những người nhảy vào lĩnh vực này trong đó có các tập đoàn đầu tư tư nhân, các ngân hàng thương mại và cả các cá nhân. Tôi tin rằng thị trường này sẽ ngày càng tăng trưởng”, Thomas Danziger, đối tác điều hành tại hãng luật Danziger, Danziger & Muro, người đại diện các ngân hàng lớn và các tổ chức cho vay khác trong việc cơ cấu và xử lý tài liệu liên quan đến các khoản vay nghệ thuật, nhận xét.

Theo Andrew Rose, một giám đốc tại Art Finance Partners, công ty tài trợ nghệ thuật xa xỉ ở Mỹ, các mức lãi suất cực thấp thường dành riêng cho những khách hàng đã có nhiều giao dịch với ngân hàng hoặc được xem như một cách chiêu dụ để họ sử dụng thêm dịch vụ của ngân hàng đó. Ông cho biết mức lãi suất cho các khoản vay nghệ thuật thường có mức cao tới 5%. “Nếu bạn là khách hàng lớn của Citigroup hay JPMorgan Chase, họ cho bạn nhiều ưu đãi trong việc đi vay”, Rose nói (các nhà lãnh đạo tại JPMorgan và Citigroup từ chối bình luận).

Chẳng hạn, trong trường hợp của Wynn, mức lãi suất chưa tới 1% được đánh giá là thấp một cách khác thường. Và mặc dù ông không tiết lộ điều khoản của khoản vay, nhưng thời hạn tối đa của các khoản vay nghệ thuật thường là từ 3-5 năm.

Carlyle Group và bộ phận đầu tư vốn cổ phần tư nhân của Pictet cũng cho biết vào tháng vừa qua rằng họ đang rót vốn vào Athena Art Finance với 280 triệu USD vốn chủ sở hữu. Athena sẽ cung cấp các khoản cho vay với mức tối đa bằng 50% mức định giá thấp của một bộ sưu tập mà khách hàng dùng làm tài sản thế chấp, trong thời hạn vay từ 6 tháng đến 7 năm.

Hồi tháng 7, Morgan Stanley cũng đã ra mắt bộ phận Blue Rider Group để cung cấp các khoản cho vay nghệ thuật, đồng thời đứng ra xử lý các khoản đầu tư cho các họa sĩ, nhà sưu tập và viện bảo tàng. Còn Falcon Group, chuyên tài trợ vốn cho doanh nghiệp, năm ngoái đã bắt đầu cung cấp các khoản cho vay nghệ thuật có hạn mức cho vay tối đa tới 15 triệu USD thông qua bộ phận đặc biệt của mình là Falcon Fine Art.

Trong khi đó, Sotheby’s Financial Services, thuộc Sotheby’s, hồi tháng 6 đã tăng gần gấp đôi “ngân sách” dùng để cấp vốn cho những khoản cho vay nghệ thuật lên tới 1 tỉ USD, theo hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý. Mặc dù nhà đấu giá này tính lãi suất cao hơn các ngân hàng, nhưng với sự hiện diện trên toàn cầu, mạng lưới nội bộ gồm các chuyên gia và luật sư cùng 25 năm kinh nghiệm thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh đã cho phép Sotheby’s tăng tốc nhanh hơn những đối thủ khác, theo Jan Prasens, Giám đốc Điều hành của Sotheby’s Financial Services.

Bank of America muốn tăng gấp đôi con số 3 tỉ USD tổng dư nợ cho vay nghệ thuật hiện tại, một phần bằng cách đưa ra mức lãi suất rất thấp, theo một người thân cận với Ngân hàng nhưng yêu cầu không nêu tên. Hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý cũng cho thấy Bank of America đã cung cấp các khoản cho vay nghệ thuật cho nhà đầu tư Arthur Samberg và một quỹ tín thác có liên quan đến Howard Marks, đồng Chủ tịch công ty quản lý tài sản Oaktree Capital Group.

“Hình thức đi vay này là nhu cầu quan trọng của một số khách hàng có sở hữu các bộ sưu tập nghệ thuật. Vì thế, danh mục của chúng tôi đã tăng lên”, Julia Ehrenfeld, phát ngôn viên của Bank of America, chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản thông qua ngân hàng cá nhân U.S. Trust của nó, cho biết.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Skate’s Art Market Research, cho vay dùng tác phẩm nghệ thuật làm tài sản thế chấp được dự báo sẽ vượt qua con số 10 tỉ USD năm nay, tăng gấp đôi kể từ năm 2011.

Khánh Đoan

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày