Thế giới

"Pháp là vấn đề lớn nhất trong khủng hoảng eurozone"

Thứ Tư | 14/11/2012 15:18

Các quan chức Đức nhận định sự yếu kém của kinh tế Pháp mới chính là vấn đề lớn nhất của eurozone chứ không phải Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italia.
Tự cho mình vai trò là người thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo Đức đã thực sự gây sốc cho chính phủ Pháp khi tuyên bố Pháp mới chính là "vấn đề thực sự" nếu khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, Berlin còn yêu cầu các cố vấn kinh tế xác định những cải cách khẩn cấp mà Pháp nên áp dụng nhằm ngăn chặn nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu tiếp tục trượt dốc.

Trong bài báo đăng tải trên tạp chí Bild ngày 31/10, với tiêu đề "Pháp là Hy Lạp mới?", các quan chức Đức đã bày tỏ lo ngại Pháp sẽ trở thành mắt xích yếu nhất và nguy hiểm nhất của khu vực đồng euro (eurozone).

Berlin cũng bày tỏ lo ngại rằng trong thời gian qua tổng thống Pháp Francois Hollande mới chỉ thực hiện các biện pháp tạm thời nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, những lại không thực sự thực hiện những cải cách sâu rộng cấu trúc kinh tế, mà các chuyên gia Đức coi là vô cùng quan trọng để khôi phục lại sức mạnh kinh tế Pháp đã suy yếu nhiều trong thời gian qua.

Nhà kinh tế Đức Lars Feld, trong bài phỏng vấn với hãng Reuters hôm 7/11, cho biết: "Vấn đề lớn nhất của eurozone thời điểm này không còn là Hy Lạp, Tây Ban Nha hoặc Italia, mà chính là Pháp, bởi Pháp không thực hiện bất cứ biện pháp nào để thiết lập lại năng lực cạnh tranh, và thậm chí còn đi theo xu hướng ngược lại". Ông Feld cũng cho rằng Pháp cần cải cách thị trường lao động, bởi Pháp hiện đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao trong eurozone.

Những lo ngại và bình luận trên của các quan chức Đức thực sự là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của giới lãnh đạo Pháp trong thời gian qua.

Hôm 7/11, chính phủ của tổng thống Hollande đã cho áp dụng một số biện pháp có chọn lọc nhằm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Pháp, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế đang trì trệ. Cụ thể, Pháp sẽ mở rộng 25,4 tỷ USD tín dụng thuế cho các doanh nghiệp để hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế, hưu trí và các chương trình xã hội khác của các doanh nghiệp. Để đủ tiền tài trợ, chính phủ Pháp cũng sẽ tăng thuế giá trị gia tăng khoảng 1%.

Nguồn World.Time/Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày