Thế giới

WikiLeaks rao bán bí mật đàm phán TPP

Thứ Sáu | 05/06/2015 06:24

WikiLeaks rao giá 100.000 USD để được quyền truy cập vào các chương còn thiếu trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


WikiLeaks coi đây các chương còn thiếu của thoả thuận là "bí mật được tìm kiếm nhiều nhất ở Mỹ".

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange nói: “Đồng hồ minh bạch về TPP sắp điểm. Sẽ không còn bí mật nào nữa. Hãy để chúng tôi hé lộ về TPP cho cả thế giới”.

 Các chương của đàm phán TPP đã tiết lộ trước đó gồm có chương về quyền sở hữu trí tuệ (công bố tháng 11/2013), về môi trường (tháng 1/2014) và về đầu tư (tháng 3/2015).

Hiện các nước tham gia đàm phán TPP gồm có Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam. Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama. Dự luật này dự kiến sẽ được Hạ viện Mỹ biểu quyết trong vài ngày tới. Nếu được thông qua, ông Obama sẽ được toàn quyền đàm phán các điều khoản trong TPP, Quốc hội Mỹ chỉ được phép thông qua hoặc phủ quyết mà không có quyền sửa đổi.

Tuyên bố rao bán bí mật TPP của WikiLeaks đưa ra ngay sau khi tổ chức này công bố tài liệu mật về 17 cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ, Liên minh châu Âu và 23 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các tư liệu được cho là liên quan với các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại trong lĩnh vực dịch vụ (TISA), được thương lượng kín kể từ năm 2013. Các nhà đàm phán là Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Úc, Pakistan và Israel.

Theo WikiLeaks, kinh tế của các quốc gia này chiếm 2/3 GDP thế giới. Trong kinh tế Mỹ và EU, "lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 80%", ở các nước đang phát triển như Pakistan, "các ngành dịch vụ chiếm 53% nền kinh tế."

Trang web của Ủy ban châu Âu cho biết rằng các bên thỏa thuận nhằm mục đích "tự do hóa thương mại dịch vụ" chiếm 70% lĩnh vực này của nền kinh tế thế giới.

Cần lưu ý rằng nhiều quốc gia, bao gồm các thành viên BRICS — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, không tham gia đàm phán về TISA. Mục đích của TISA là tăng áp lực và tạo ra đối trọng với BRICS.

Việc công bố tài liệu mật đã trở thành sự rò rỉ lớn nhất của TISA. Trên thực tế, các nước ký kết các thỏa thuận đã chuyển giao cho TISA quyền kiểm soát nền kinh tế. Quy định của TISA cho phép điều chỉnh tất cả các loại dịch vụ thương mại và phi thương mại. Thuộc thẩm quyền của TISA gồm lĩnh vực xã hội, lĩnh vực dịch vụ, trong đó bao gồm cung cấp nước và năng lượng, giao thông, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và hệ thống vận chuyển khí đốt.

Thỏa thuận TISA là một phần của gói hợp đồng "3T" với Hiệp đinh đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương TTIP. TISA là thành phần lớn nhất trong số "3T" đó.

Phương Linh


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày