Công Nghệ

5G đến sớm

Trực Thanh Thứ Năm | 31/12/2020 08:00

Triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu của các Công ty viễn thông. Ảnh: TL

Các nhà mạng tại Việt Nam có nhiều động lực và quyết tâm để thương mại hóa sớm mạng di động 5G.
Triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu của các Công ty viễn thông. Ảnh: TL

3nhà mạng lớn tại Việt Nam là VinaPhone, Mobifone và Viettel mới công bố vùng phủ sóng và thương mại hóa mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), chính thức khẳng định tên tuổi của Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới. “Mục tiêu là sẽ triển khai 5G sớm ngay trong năm 2021”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết.

Cuộc chơi lớn 

Theo Cisco Việt Nam, việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu cho các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên mức hơn 300 triệu USD/năm, bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, 5G tại Việt Nam phù hợp để phát triển các dự án lớn như đô thị thông minh, chuyển đổi số, chính phủ điện tử... nên đầu tư cho cuộc chơi này cần nguồn vốn lớn và kéo dài.

 

Các nhà mạng dự kiến sẽ cần đầu tư khoảng 1,5-2,5 tỉ USD cho công nghệ 5G trong giai đoạn 2020-2025. Chẳng hạn, nhà mạng AIS của Thái Lan đã phải chi tới 1,2 tỉ USD mà cũng chỉ đưa 5G đến được với 13% dân số. Nhiều dự đoán trên thế giới cho thấy rằng vào năm 2023, 5G chỉ chiếm hơn 10% kết nối di động.

Đại diện Mobifone đánh giá việc triển khai 5G là bài toán tương đối khó, cần có các dữ liệu về đầu tư thiết bị, tính toán khả năng thu hồi vốn trong bao lâu, tính cả sự phát triển chung của xã hội vì thuê bao mạng 5G không chỉ có điện thoại mà còn là các loại máy móc. Đại diện VNPT tính toán nếu triển khai 5G thuận lợi, trong vòng 7 năm tới, phải tăng từ 20-30% doanh thu và tập trung vào dịch vụ dữ liệu. Mạng di động 5G có đặc trưng như khả năng truyền sóng thấp hơn 2G, 3G. Như vậy, để triển khai được việc phát 5G ở nông thôn, các nhà mạng sẽ rất tốn kém.

“Phải đến năm 2023-2025, 5G mới phổ biến được như 4G. Bởi độ phủ của 5G vẫn còn rất hạn hẹp, cần xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng nữa mới đảm bảo kết nối”, ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel, dự báo. Theo số liệu quy hoạch trên mạng lưới của Viettel, dự kiến vào năm 2021, sẽ có khoảng 1,5-2 triệu thuê bao 5G trên cả nước.

Tuy nhiên, triển khai 5G tại Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số.

 

Đầu năm 2020, Viettel là doanh nghiệp trong nước đầu tiên tiến hành việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị và thực hiện cuộc gọi video sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB. Để tham gia thị trường này, Viettel đã huy động hơn 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin tham gia nghiên cứu sản xuất; ngân sách 700 tỉ đồng cho việc phát triển dự án và đầu tư thiết bị. 

VinSmart cũng công bố phát triển thành công mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G. Với công bố này, VinSmart đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G.

Cơ hội lớn 

Theo báo cáo mới đây về tình hình phát triển mạng 5G tại Đông Nam Á của Cisco Việt Nam, đến năm 2025, khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ có khoảng 200 triệu thuê bao 5G, trong đó, Việt Nam sẽ có hơn 6,3 triệu thuê bao. Việt Nam và Singapore dự kiến là 2 quốc gia đầu tiên triển khai công nghệ 5G ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2020-2021.

Theo Qualcomm Việt Nam, đã có hơn 60 nhà mạng tại hơn 30 quốc gia trên thế giới triển khai thương mại hóa 5G. Trên 380 nhà mạng tại hơn 120 quốc gia đang đầu tư vào 5G. Sẽ có hơn 1 tỉ kết nối 5G vào năm 2023, nhanh hơn 2 năm so với 4G và đến năm 2025 sẽ có hơn 2,8 tỉ kết nối 5G trên toàn thế giới. Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, công nghệ 5G có thể tạo ra nguồn doanh thu lên tới 13.200 tỉ USD vào năm 2035. Trong 2 năm tới, 5G có thể tạo ra giá trị tăng thêm là 1.000 tỉ USD”.

Ảnh: Thiên Ân.
Ảnh: Thiên Ân.

Có thể thấy, Việt Nam có nhiều động lực và quyết tâm theo đuổi công nghệ 5G. Trước năm 1993, thời điểm mạng di động đầu tiên của Việt Nam hoạt động, 54% dân số thuộc diện nghèo, nhưng hiện nay, con số này ở Việt Nam chỉ 3%. Viễn thông và công nghệ thông tin trở thành trụ cột quan trọng trong động lực phát triển của kinh tế Việt Nam. Khi 5G được triển khai, ứng dụng IoT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, mọi ngành nghề và lĩnh vực sẽ được số hóa và hoạt động hiệu quả hơn, năng suất cao hơn.

 Việt Nam đang đặt quyết tâm lớn theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm số hóa Chính phủ, kinh tế, xã hội. Cụ thể, Việt Nam đẩy nhanh việc áp dụng Công nghiệp 4.0 trên tất cả các ngành công nghiệp nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm 7% vào năm 2025, cũng như đảm bảo rằng nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Vì thế, công nghệ 5G sẽ là “cú đầu tư lớn” giúp Việt Nam đi tắt và bắt kịp xu hướng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng nền kinh tế số cùng với những công nghệ số khác như trí tuệ nhân tạo (A.I), dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain... “Dự kiến vào năm 2025, 2/3 các nhà máy sản xuất trên thế giới sẽ chuyển về khu vực châu Á và việc triển khai 5G là lợi thế về cạnh tranh, cũng như thu hút các công ty quốc tế đầu tư vào Việt Nam”, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia, nhận định về cơ hội 5G mang lại cho Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày