Công Nghệ

Giảm giá mạnh, thị trường xe có thoát cảnh ế ẩm?

Ngọc Thủy Thứ Hai | 25/05/2020 08:00

Thị trường xe kỳ vọng sẽ khởi sắc sau đợt giảm giá mạnh. Ảnh: Quý Hòa

Các hãng xe kỳ vọng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ vực dậy doanh số bán đang ế ẩm.
Thị trường xe kỳ vọng sẽ khởi sắc sau đợt giảm giá mạnh. Ảnh: Quý Hòa

Lâu nay, người mua ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống phải đóng lệ phí trước bạ từ 10-12% giá trị xe (tùy từng địa phương). Với quyết định mới ban hành, áp dụng đến hết năm 2020, khách mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chỉ phải nộp lệ phí 5-6%. Tính ra, người mua có thể tiết kiệm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng tùy loại xe.

Ưu đãi cho xe nội
Với chính sách mới, các doanh nghiệp có nhà máy ở Việt Nam như Trường Hải (Thaco), Thành Công, VinFast, Toyota, Mercedes-Benz sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, Bộ Tài chính từng lo ngại, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước có thể sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, cuối cùng Bộ Tài chính cũng đồng ý.

Dù chính sách chỉ là giảm lệ phí trước bạ, không phải giảm giá bán xe, nhưng cũng là động lực kích cầu thị trường ô tô trong nước, vốn đã sụt giảm mạnh. Theo báo cáo doanh số của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor, trong 4 tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ tổng cộng gần 78.400 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mức giảm doanh số lớn nhất rơi vào Ford (53%), Mazda (49%), Honda (41%), Toyota (29%). Theo VAMA, chỉ duy nhất Isuzu là tăng trưởng dương (2%) nhờ hãng này giảm giá mạnh (từ 41-200 triệu đồng, kèm quà tặng) trong suốt tháng 3, với mục đích thúc đẩy tiêu thụ và thoát cảnh thị trường ế ẩm.

 

Thực tế, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam triển khai giãn cách xã hội, đã buộc các tỉnh thành phải dừng di chuyển phương tiện công cộng. Xe taxi, xe du lịch, xe chạy hợp đồng... đều bị tạm cấm. Yếu tố này khiến tiêu thụ ô tô đột ngột suy giảm mạnh tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy sản xuất ô tô như VinFast, Nissan, Ford, Toyota, Honda, TC Motor (lắp ráp xe Hyundai), Nissan, Mercedes... buộc phải tạm ngừng sản xuất để chống dịch hoặc do thiếu phụ tùng, linh kiện.

Ngay sau khi hết giãn cách, nhằm cải thiện doanh số, không ít đại lý ô tô liên tục tung ra nhiều chương trình giảm giá với mức giảm lên đến cả trăm triệu đồng. So ra, không cần đến chính sách giảm lệ phí trước bạ, các hãng xe hơi đã chủ động và đi trước trong việc thúc đẩy tiêu thụ xe.

Sang tháng 5.2020, dù chưa có con số tổng kết nhưng với hoạt động kinh tế cơ bản đã khôi phục, cùng các ưu đãi kép (giảm giá bán ô tô, giảm lệ phí trước bạ), các hãng xe hy vọng thị trường Việt Nam có thể tăng trưởng trở lại.

Thị trường có khởi sắc?
Trong khi các nước vẫn đang căng thẳng ứng phó với đại dịch, thì ở Việt Nam, mọi thứ đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, đại diện Kantar cho rằng, mọi thứ đã không còn như cũ. Đã có những thay đổi diễn ra trong cách sống, hành vi, ứng xử và nhiều thói quen mới dần hình thành. Trong bức tranh đó, ngành ô tô nói riêng và các ngành khác đều cần nhanh chóng điều chỉnh, chuyển đổi để đạt tăng trưởng hậu mùa dịch.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), dịch bệnh đã khiến nhu cầu mua ô tô giảm và chưa rõ đà giảm này sẽ kéo dài trong bao lâu. Đây là vấn đề nghiêm trọng và không dễ khắc phục ngay. Bằng chứng là dù các hãng xe đã sớm tung ra hàng loạt chương trình bán hàng ưu đãi để cứu vãn tình thế, nhưng doanh số bán xe vẫn sụt giảm so với cùng kỳ. Lượng ô tô tồn kho đã tăng cao, đến 122,5% chỉ trong 3 tháng đầu năm (theo Bộ Công Thương). Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Chính sách VAMA, cũng bày tỏ lo ngại về tỉ lệ sụt giảm tiêu thụ hiện nay đã thấp hơn cả dự báo hồi đầu năm là 15%.

 

Nhìn ra khu vực và thế giới, tình hình cũng ảm đạm không kém. Báo cáo bán hàng nội địa từng thành viên ASEAN cho hay, doanh số bán xe của các nước trong khu vực đều sụt giảm qua từng tháng. Tính trung bình, tiêu thụ ô tô ở các nước này giảm từ 25-28%.

Fitch Solutions còn dự báo Philippines, Malaysia, Thái Lan sẽ đối mặt với mức sụt giảm doanh số bán xe nghiêm trọng hơn các nước còn lại.

Hiệp hội Công nghiệp ô tô các nước ASEAN xác nhận, các nước sẽ điều chỉnh kế hoạch tổng thể sản xuất và bán hàng năm nay. Thái Lan, Philippines, Indonesia có thể sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sản lượng sụt giảm ở thị trường nội địa. Các nước này sẽ ưu tiên xuất khẩu vào các nước trong ASEAN để tận hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Singapore, Malaysia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào... trở thành những khách hàng tiềm năng của các nước láng giềng. 

Nghĩa là cạnh tranh giữa các hãng ô tô sẽ khốc liệt hơn. Các hãng xe buộc cùng lúc phải làm hai việc: điều chỉnh kế hoạch bán hàng và cắt lãi để đẩy hàng tồn. Ngoài ra, khi giá cả trở nên hấp dẫn và người mua có điều kiện so sánh, chọn lựa, phần lớn khách hàng vẫn thích chọn mẫu mã của các hãng ngoại như Toyota, Honda...

Đối với những doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, nhất là ở phân khúc xe du lịch, quý I vừa qua đã tăng trưởng âm. Giảm nhiều nhất là Peugeot của Thaco (-55%). Bù lại, trong phân khúc xe tải, xe thương mại, Thaco ghi nhận tăng trưởng. Ví dụ xe Thaco Truck tăng 20%, Hino tăng 88%...

Rõ ràng, những tác động từ chính sách lên thị trường chỉ là một phần, nhất là khi chính sách ấy chỉ giúp tiết kiệm một phần không quá lớn so với giá trị chiếc xe và so với mức khuyến mãi cùng tặng kèm gói bảo hành, bảo dưỡng từ các hãng ô tô ngoại như Ford, Toyota...

Để thuyết phục khách hàng mua xe, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các hãng ô tô phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau cũng như tận dụng, phát huy sức mạnh, lợi thế sẵn có.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày