Công Nghệ

Khi nhà mạng thâm nhập OTT

Thứ Hai | 21/12/2015 12:30

Khác với ứng dụng OTT của bên thứ 3, nhà mạng có đầy đủ công cụ để kết nối 2 số điện thoại với nhau, dù chúng trực tuyến hay ngoại tuyến.

Nhà mạng điện thoại di động “đau đầu” trước thực tế ngày càng nhiều người dùng điện thoại thông minh tìm cách tiết kiệm tiền cước viễn thông, bằng cách nhắn tin, gọi điện thông qua ứng dụng Viber, Zalo... Năm 2015, các nhà mạng đã bắt đầu ra tay, trực tiếp triển khai ứng dụng thoại và nhắn tin hoạt động dựa trên nền kết nối internet (OTT).

Đầu tháng 12, Mobifone âm thầm công bố ứng dụng OTT mang tên WiTalk. Là nhà mạng đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến thị trường OTT, nhưng Mobifone lại là đại diện cuối cùng, trong 3 nhà mạng lớn ở Việt Nam, chính thức bước chân vào thị trường OTT. Trước đó, Viettel đã giới thiệu ứng dụng Mocha vào tháng 4, còn Vinaphone giới thiệu VietTalk từ cuối năm 2014.

Về cơ bản, Witalk của Mobifone cũng giống như các ứng dụng OTT của các bên thứ 3 nhưng yêu cầu đối với người nhận khá đơn giản, không đòi hỏi điện thoại thông minh hay kết nối Wi-Fi, 3G, chỉ cần có sóng mạng di động. Tương tự, ứng dụng VietTalk của Vinaphone tự động truyền thông điệp dưới dạng tin nhắn truyền thống (SMS), khi người nhận không có ứng dụng hoặc không có kết nối internet.

Trên thực tế, để liên lạc trong tình huống người nhận không trực tuyến, Viber đã phát triển dịch vụ Viber out, cho phép gọi trực tiếp đến số di động khác. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa thực sự phát huy ý nghĩa tại Việt Nam bởi mức phí thậm chí đang cao hơn phí gọi thông thường của nhà mạng (gần 2.900 đồng/phút).

Như vậy, nhờ lợi thế về cơ sở hạ tầng, các nhà mạng đang hướng đến cả nhóm người dùng hiện đại (có sử dụng ứng dụng) và người dùng truyền thống (không cài ứng dụng). Hiện nay, số lượng khách hàng sử dụng điện thoại truyền thống vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Moore tại Việt Nam, nhóm người sử dụng điện thoại “không thông minh” (tức không thể cài Zalo hay Viber) chiếm tới khoảng 43%. Rõ ràng, khác với ứng dụng OTT của bên thứ 3, nhà mạng là đơn vị có đầy đủ công cụ để kết nối 2 số điện thoại với nhau, dù chúng trực tuyến hay ngoại tuyến.

Lợi thế này mang lại chiến lược marketing nhà mạng là tập trung vào khía cạnh kết nối cuộc gọi tốt, chất lượng thoại cao. Do chất lượng kết nối Wi-Fi, 3G khó đồng nhất, các ứng dụng OTT của công ty thứ 3 thường hay bị phàn nàn về chất lượng kết nối và thoại.

Ứng dụng OTT của các công ty thứ 3 thường được cung cấp miễn phí nhưng hầu hết nhà mạng tung ra ứng dụng OTT có thu phí. WiTalk có thể xem là một cách thức giảm giá cước của nhà mạng Mobifone. Cụ thể, mức phí nhắn tin, gọi trong và ngoài nước đều có mức giảm từ 10-25% so với mức phí thông thường. Tương tự, ứng dụng VietTalk của Vinaphone cũng thu phí với gói cước hấp dẫn hơn.

Trong số 3 nhà mạng, ứng dụng Mocha của Viettel, được đánh giá gần với OTT hơn cả vì cung cấp dịch vụ miễn phí khi nhắn tin gọi điện giữa 2 thiết bị có cài đặt ứng dụng. Song bước đi hiện tại của Viettel cũng là tránh đối đầu trực tiếp với OTT của các bên thứ 3, hiện đang vượt trội về số lượng người dùng. Hiện nay, Viettel tấn công mạnh vào dịch vụ cùng nghe nhạc khi trò chuyện với nhau.

Thiên Phong


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày