Công Nghệ

Startup chuyên xét nghiệm ung thư gọi vốn được 360 triệu USD

Thứ Sáu | 12/05/2017 15:17

Guardant Health vừa gọi được vốn từ SoftBank Group, Khosla Ventures và Sequoia Capital.

Startup công nghệ y tế Guardant Health (Mỹ) vừa mới gọi vốn được 360 triệu USD. Dẫn đầu vòng góp vốn kỳ này là SoftBank Group (Nhật), cùng với các nhà đầu tư khác đã từng rót vốn vào Guardant như Khosla Ventures và Sequoia Capital. Cho đến nay, Guardant đã huy động được hơn 500 triệu USD.

Với mục tiêu là làm cho xét nghiệm ung thư trở nên thật đơn giản, Guardant đã phát triển công nghệ xét nghiệm “sinh thiết lỏng” (liquid biopsy) được gọi là Guardant360. Công nghệ này sử dụng các mẫu máu từ bệnh nhân ung thư và phân tích thông tin gene trong máu để tìm ra cách khối u phản ứng với một phác đồ điều trị ung thư như thế nào. Các xét nghiệm này dựa vào cái gọi là DNA khối u tuần hoàn, nghĩa là các mảnh ADN mà các tế bào khối u chết thải ra trong máu.

Lần gọi vốn kỳ này sẽ giúp Guardant thực hiện mục tiêu là phân tích mẫu máu của 1 triệu bệnh nhân ung thư trong 5 năm tới, và có thể giúp công ty phát triển một kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thư sớm. Một xét nghiệm như vậy sẽ đòi hỏi một khối dữ liệu cực lớn mà hiện nay chưa có.

CEO Helmy Eltoukhy của Guardant nói với Business Insider: "Sẽ phải thu thập nhiều dữ liệu để thực sự hiểu được các yếu tố phức tạp của ung thư".

Trào lưu đang lên

Guardant không phải là công ty duy nhất tìm cách tầm soát ung thư sớm. Lĩnh vực này đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, thu hút những khoản đầu tư khổng lồ. Vào tháng 3, startup Grail (tách ra từ Illumina) tuyên bố đã huy động được 900 triệu USD từ các nhà sản xuất dược phẩm và Amazon để thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn. Freenome, một công ty khởi nghiệp  muốn xây dựng một xét nghiệm máu để tầm soát những dấu hiệu ung thư sớm nhất, thông báo rằng họ đã gọi được 65 triệu USD trong cùng ngày.

Và sẽ có nhiều thử nghiệm lớn được tiến hành trong thời gian tới. Grail đang có kế hoạch tìm kiếm 120.000 phụ nữ muốn chụp quang tuyến vú để phát triển công nghệ tầm soát ung thư vú.

Dù vậy, vẫn có khá nhiều người hoài nghi về tính hữu ích của các xét nghiệm gene. Theo khảo sát Medscape với 132 nhà ung thư học, 36% số này cho rằng xét nghiệm gen vẫn chưa có ích. 60% những người trả lời cho biết chưa tới 1/4 số bệnh nhân của họ sẽ được hưởng lợi từ việc xét nghiệm.

Nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai không xa. 89% số người được hỏi cho biết xét nghiệm gene sẽ hữu ích trong 10 năm tới.

Quỳnh Như

Nguồn BI


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày