Công Nghệ

Xóa dấu vết trên mạng - chuyện dễ, chỉ ở EU!

Chủ Nhật | 01/06/2014 20:04

Ở EU, Google bị buộc phải gỡ bỏ mọi đường dẫn trong kết quả tìm kiếm nếu theo phán quyết của tòa, thông tin được dẫn có thể hủy hoại thanh danh của một ai đó.
Có lúc nào đó bạn lỡ lời tuyên bố một điều mà hôm sau ân hận muốn xóa? Trong thời đại tin học hóa ngày nay, "lời nói" không thành "gió bay" mà sẽ ở mãi trên không gian mạng.

Đó là cho mãi đến tận hôm nay.

Theo một phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu, công dân EU được quyền xóa vết tích trên không gian mạng và Google phải gỡ bỏ hết mọi đường dẫn trong kết quả tìm kiếm nếu thông tin được dẫn có thể làm hủy hoại thanh danh của một ai đó.

Google buộc phải tuân thủ phán quyết và cung cấp một công cụ để người dùng ở châu Âu có thể thực hiện quyền "được trôi vào quên lãng" từ thứ Sáu vừa rồi. Công cụ này dưới dạng một biểu mẫu mà người dùng có thể điền vào để yêu cầu gỡ bỏ các đường link "không liên quan, lạc hậu hay nói cách khác là không thích hợp" về người đó.

Và ngay hôm đầu tiên, Google đã nhận được 12.000 yêu cầu từ người dùng khắp châu Âu đòi Google xóa mọi vết tích có thể dẫn đến người tìm kiếm lần ra thông tin liên quan đến họ, theo Reuters.

Nói cho dễ hiểu, ví dụ cách đây 2 năm bạn từng phản đối kịch liệt một dự thảo luật, báo chí trích đăng lập luận của bạn; nay bạn bỗng đổi ý, ủng hộ cũng hết lời dự thảo luật này. Nếu cứ để Google dẫn ra mọi thông tin thì ai nấy đều thấy sự "thay đổi nhanh chóng", "sáng nắng chiều mưa" của bạn. Chi bằng cứ yêu cầu Google quên hết mọi bài báo cách đây hai năm, có ai "tìm" bằng Google thì Google cũng phải xóa kết quả đó đi.

Còn nguyên nhân của phán quyết từ tòa EU là như thế này: một người Tây Ban Nha tên là Mario Costeja Gonzalez thử tìm bằng Google tên mình thì thấy trong các kết quả cứ hiện lên một bài báo cách đây đã 16 năm, kể chuyện ngôi nhà ông ta bị tịch biên như thế nào. Đây là điều ông Gonzalez không muốn thấy và cũng không muốn ai thấy nên bèn kiện Google ra tòa, yêu cầu xóa đường link đến bài báo kia vì cho rằng như thế là xâm phạm sự riêng tư của ông ta. Tòa đồng ý với lập luận này.

Từ lúc Google đưa công cụ này lên mạng dưới dạng một biểu mẫu yêu cầu, hãng này cho biết cứ mỗi phút trôi qua là họ nhận được 20 yêu cầu như thế. Không biết vì sao dân EU lại muốn quên đi quá khứ nhiều đến thế?

Theo tờ Independent, một số trường hợp yêu cầu xóa link đến từ một người từng bị buộc tội ấu dâm, một bác sĩ bị báo chí chê tay nghề yếu, một chính trị gia bị dính vào một xì-căng-đan...

Và mặc cho phán quyết của tòa, Google vẫn sẽ giữ quyền quyết định trường hợp nào thì xóa link (ví dụ thông tin đã lạc hậu), trường hợp nào vẫn giữ nguyên để cân bằng giữa quyền riêng tư và quyền được biết.

Hiện nay công cụ này chỉ có ở châu Âu và chỉ có công dân EU với bằng chứng về nhân thân mới được nộp yêu cầu như thế. Rõ ràng chỉ có các yêu cầu tìm kiếm thông tin từ châu Âu mới bị ảnh hưởng chứ nếu dùng Google ở nơi khác thì mọi thông tin vẫn sẽ hiển thị đầy đủ.

Trước đó trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, CEO của Google là Larry Page cho rằng phán quyết của tòa là sự can thiệp thô bạo vào dòng chảy thông tin. Thực tế các thông tin đó vẫn tồn tại trên không gian mạng, chỉ có điều Google không được phép chỉ nó ra cho mọi người thấy mà thôi. Cách tốt nhất là đừng nói điều gì sau này bạn phải hối tiếc.

Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày