Kiều bào

Bộ trưởng Ngoại giao trả lời chất vấn nội dung liên quan người Việt Nam ở nước ngoài

Nguyễn Hoàng (Tổng hợp) Thứ Hai | 25/03/2024 16:38

Ảnh: T.L

Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn.
Ảnh: T.L

Chương trình phiên họp thứ 31, ngày 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tập trung vào một số nhóm vấn đề, trong đó có công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn thành phố Hà Nội: Hiện nay, khoảng 70.000 người Việt Nam đang sinh sống lâu dài tại Campuchia chưa được công nhận quyền công dân tại nước sở tại. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã có những động thái gì thúc đẩy tiến trình giải quyết công nhận quyền công dân cho người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia?

 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia đang gặp nhiều khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp, đời sống thiếu thốn. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam rất quan tâm đến nội dung này, trao đổi trong các cuộc tiếp xúc với phía Campuchia. Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia đã được thành lập, nhằm hỗ trợ cấp căn cước công dân, nhập quốc tịch Campuchia, phối hợp với chính phủ Campuchia tái cơ cấu công việc kiều bào. Bộ Ngoại giao cũng có kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai công tác hỗ trợ, nâng cao địa vị pháp lý và đời sống của người Việt tại Campuchia.

Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: Việt Nam đã thành lập Ban quản lý lao động ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam làm việc. Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải cứu, bảo vệ công dân Việt Nam tại những vùng/quốc gia xảy ra xung đột trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trần Thanh Sơn: Thời gian qua Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc đưa người lao động chúng ta ra nước ngoài. Đặc biệt là vai trò của Cơ quan đại diện phối hợp với Ban Quản lý lao động. Tuy nhiên, không phải nước nào chúng ta cũng có cơ quan đại diện. 

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam. Bộ Ngoại giao đề nghị các bộ ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ kiêm nhiệm, Ban quản lý lao động ở các nước thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo hộ công dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn Đắk Lắk: Tình trạng cưỡng bức lao động, lừa đảo công dân Việt Nam ra nước ngoài “làm việc nhẹ, lương cao”, Bộ Ngoại giao có giải pháp gì cho vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Thanh Sơn: Cưỡng bức, lừa đảo công dân ra nước ngoài làm việc diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp “chặt đứt” tình trạng này, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động. Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp: Hiện nay, không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không trở về nước. Các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp nào làm thay đổi tình trạng này không?

Bộ trưởng Trần Thanh Sơn: Sau dịch COVID-19, số du học sinh Việt Nam quay trở lại các nước học tập tăng nhanh. Năm 2022 có khoảng 3,8 triệu lượt công dân, đến năm 2023 đã tăng lên hơn 10 triệu lượt người. Trong bối cảnh đó, xảy ra một số vi phạm pháp luật các nước ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động trong nước ra nước ngoài lao động, học tập nhằm đảm bảo chấp hành tốt quy định của nước sở tại, đồng thời cũng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và của quan hệ giữa 2 nước.

Về việc các du học sinh ra nước ngoài học tập và ở lại làm việc, qua trao đổi cho thấy, nhiều người có nguyện vọng trở về đất nước để cống hiến, nhưng nhiều người khác mong muốn ở lại làm việc, môi trường làm việc hiện đại, ưu đãi phúc lợi và tiền lương cao để đóng góp tốt hơn cho đất nước. Câu hỏi đặt ra: Có nên bắt buộc các du học sinh có nguyện vọng ở lại làm việc phải về nước? Lãnh đạo cấp cao của ta đã trả lời bà con cử tri và kiều bào, nếu các du học sinh nhận thấy có thể phát huy được vai trò công việc của mình sau khi học xong tại nước sở tại, làm cầu nối hữu nghị giữa 2 nước, đó cũng chính là góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Bình Dương: Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá để tăng cường hoạt động kết nối các mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam theo từng nhóm lĩnh vực thiết yếu, cũng như chế độ đãi ngộ xứng đáng cho tri thức là người Việt Nam có đóng góp thiết thực cho Tổ quốc?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trí thức kiều bào ở nước ngoài là đội ngũ quan trọng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đã cùng các bộ, ngành địa phương tìm các giải pháp để tổ chức mạng lưới tri thức kiều bào, vận động lập hội tri thức khoa học công nghệ; kết nối cộng đồng tri thức bằng các diễn đàn, để cộng đồng này có thể đóng góp tri thức, nguồn lực vào phát triển đất nước

 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày