Kinh Doanh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ủng hộ công khai tài sản của cán bộ

Thứ Năm | 04/12/2014 11:05

Công khai tài sản của cán bộ, công chức chưa làm cử tri hài lòng, cần phải công khai rộng rãi hơn để phát huy kênh giám sát từ nhân dân.

Đây là một trong những nội dung được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (TP.HCM) tiếp thu tại tiếp xúc cử tri hai quận 1 và 3 ngày 3-12.

Chủ tịch nước nói trong số rất nhiều vấn đề được cử tri quận 1 đề cập, ông chọn năm nhóm nội dung “nóng” để tập trung trao đổi, giải đáp với cử tri, trong đó có kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức.

Còn đó một câu hỏi lớn

Ông Nguyễn Văn Phú (P.Đa Kao, Q.1) đặt vấn đề cả triệu bản kê khai tài sản của những người thuộc diện phải kê khai nhưng chỉ phát hiện có vài sai sót, qua đây cho thấy dường như công cụ kiểm soát quan trọng này còn bị lấn cấn, hiệu quả chưa được phát huy.

Theo ông Phú, kê khai rồi thì phải công khai. Cụ thể hơn, qua việc phát hiện các sai phạm về nhà đất liên quan đến ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng Thanh tra Chính phủ) là một bài học để đời, ông Trần Quang Tuấn (P.Bến Nghé, Q.1) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nên chủ động công khai tài sản của mình trong lúc còn đương chức.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ ông tán thành nguyện vọng của cử tri yêu cầu phải công khai tài sản của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận có một thực tế là còn khoảng cách giữa thể chế hóa yêu cầu này với nguyện vọng của cử tri. Chủ tịch nước cho biết hằng năm ông (hay những người thuộc diện kê khai tài sản nói chung - PV) đều phải thực hiện bản kê khai bổ sung và được công khai nơi làm việc, chưa công khai nơi cư trú có tính chất rộng rãi hơn.

“Tôi biết cử tri không bằng lòng việc công khai kê khai tài sản” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý với số lượng bản kê khai tài sản lớn nhưng chỉ phát hiện vài trường hợp có sai sót như cử tri nêu thì đây là một dấu hỏi lớn, gây nên sự nghi ngờ ghê gớm trong cử tri.

Ông đề nghị khi cử tri phát hiện ông A, bà B... kê khai tài sản không đúng, không trung thực thì thông báo và ông hứa sẽ chỉ đạo thẩm tra. Chủ tịch nước khẳng định các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thúc đẩy, đeo bám nêu ý kiến để sớm thể chế hóa nguyện vọng chính đáng, mang tính xây dựng của cử tri, nhằm góp phần kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức..., phòng tránh tiêu cực, bảo vệ uy tín, thanh danh của chế độ.

Còn về phía cử tri, nhân dân cần chủ động phát hiện, nêu các vụ việc tiêu cực, sai trái, kể cả nêu thông tin trên báo chí.

Bỏ sót tội phạm: một loại “chạy” ghê gớm

Gắn liền với chủ đề chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng trao đổi một số ý kiến về chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó khẳng định quan tâm chống oan sai, bảo vệ công lý là đúng.

Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý đúng mức việc sót lọt tội phạm. “Xin thưa, đây cũng là một loại chạy ghê gớm, chạy án cũng ghê gớm, mong cử tri để ý cho” - Chủ tịch nước lưu ý. Cũng theo ông, nếu tình trạng này không nhiều, không nóng bỏng thì làm gì mỗi lần gặp nhau lại căng thẳng với nhau về chống tham nhũng, phàn nàn xử lý chưa đủ sức răn đe, tài sản tham nhũng thu hồi được còn hạn chế...

Riêng vấn đề không trả nhà công vụ, Chủ tịch nước khẳng định chủ trương về nhà công vụ là đúng đắn, cần thiết, phục vụ công tác chung, kể cả ông cũng sử dụng nhà công vụ khi làm việc tại Hà Nội, nhưng khi hết làm thì phải trả.

Tuy nhiên, một số trường hợp diễn ra không đúng như vậy, có thể có sai sót của người đang sử dụng nhà công vụ, nhưng điều đáng trách hơn là khi cho cán bộ nghỉ hưu thì không có quyết định thu hồi nhà.

Không tự chủ kinh tế sẽ phụ thuộc về chính trị

Góp ý với Quốc hội, ông Nguyễn Minh Quế (P.1, Q.3) không đồng tình khi báo cáo nợ công ở nước ta trên 60% GDP ở mức an toàn. Theo ông, mức này là rất nguy hiểm, thiếu an toàn cho nền kinh tế. Ông Quế cho rằng việc quản lý, điều hành nền kinh tế đất nước hiện nay đang gây bức xúc, lo lắng cho nhiều người dân.

Chủ tịch nước cũng báo động trong ba năm qua, tổng tài sản ở khối doanh nghiệp nhà nước tăng khoảng 20-22% nhưng đóng góp vào GDP và tổng lợi nhuận lại giảm, nên suất sinh lời thấp hơn ba năm trước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh ngay từ lúc này và những năm sắp tới phải nâng cao được hiệu quả của khu vực này. Cũng theo Chủ tịch nước, hiện nay đã thay đổi tư duy về phân bổ các nguồn lực phát triển, kể cả vốn ODA.

Theo đó, với những ngành nghề mà khả năng của khối tư nhân làm không kém hơn (khối quốc doanh) thì cùng đặt trên một mặt bằng để phân bổ nguồn lực, còn trước đây không có vấn đề này, chỉ doanh nghiệp nhà nước là chính.

Chủ tịch nước cho biết trên tổng thể nền kinh tế năm qua có nhiều mặt phát triển phấn khởi, được coi như những điểm sáng đáng ghi nhận, trong đó riêng mảng xuất khẩu được “khoe” là xuất siêu.

Tuy nhiên, phần xuất siêu do doanh nghiệp nước ngoài làm ra, còn thực tế doanh nghiệp trong nước là nhập siêu. Tương tự, nói công nghiệp tăng trưởng thấy phấn khởi nhưng cũng cần phải chú ý không dưới 70% do doanh nghiệp nước ngoài tạo ra, cho thấy doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đường lối của nước ta là độc lập tự chủ về kinh tế, nếu không độc lập tự chủ được thì sẽ phụ thuộc về chính trị. Do vậy cần nâng thể trạng của doanh nghiệp trong nước lên.

Nguồn Tuổi Trẻ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày