Kinh Doanh

Công ty Cao su Đắk Lắk: Bố con cùng lãnh đạo, ngân sách mất trăm tỷ

Thứ Sáu | 06/02/2015 08:55

Dự án du lịch ở Bản Đôn, sản xuất chỉ thun ở Buôn Ma Thuột do 2 con trai cựu Tổng Giám đốc Dakruco phụ trách gây thất thoát trăm tỷ đồng.

Chỉ riêng 2 dự án làm du lịch ở Bản Đôn và sản xuất chỉ thun ở Buôn Ma Thuột do 2 con trai của ông Tổng Giám đốc Dakruco thời chưa nghỉ hưu phụ trách đã khiến nguồn vốn nhà nước mất cả trăm tỷ đồng. Ngân sách thất thoát, rừng xanh bỏ mặc cho lâm tặc tàn phá, trách nhiệm này thuộc về ai?

Chuyện đầu tư du lịch

Dakruco là tên giao dịch nước ngoài viết tắt của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk. Cty đang quản lý trên 24 nghìn ha cao su, có khách sạn nhà hàng 4 sao, mục tiêu đến năm 2020 trở thành Cty đa ngành nghề hàng đầu khu vực Tây Nguyên.

Phát hiện thấy dấu hiệu bất thường trong cách sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư nhiều dự án, gây thua lỗ cả trăm tỷ đồng tại Dakruco, từ giữa năm 2014 các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho xác minh làm rõ. Bước đầu kiểm tra đã thấy riêng 2 dự án nội tỉnh về du lịch ở Bản Đôn (huyện Buôn Đôn), và sản xuất chỉ thun ở Khu công nghiệp Hòa Phú (ngoại thành Buôn Ma Thuột) đã có quá nhiều sai phạm.

Từ năm 2005, Dakruco đã thuê 1.336,7 ha rừng của tỉnh Đắk Lắk để làm dự án du lịch Văn hóa- Sinh thái Bản Đôn, lập Trung tâm Du lịch Bản Đôn (TTDLBĐ) với 42 cán bộ nhân viên. Do điều hành yếu kém, chỉ sau mấy năm hoạt động, TTDLBĐ đã lỗ tới 45 tỷ đồng, được Dakruco “xử lý hòa nhập” hết vào kết quả kinh doanh toàn ngành. Tiếp đó, Dakruco xin tỉnh cho chuyển đổi TTDLBĐ thành công ty cổ phần, tự thuê 1 đơn vị kiểm toán định giá tài sản của TTDLBĐ được hơn 67,5 tỷ đồng, và 1 doanh nghiệp tư nhân vừa được chọn vào vai đồng sáng lập viên nữa, là Cty TNHH Huỳnh Phước được định giá 20 tỷ đồng. Điều gây chú ý: Giám đốc Cty Huỳnh Phước là Huỳnh Bảo Minh, con trai ông Huỳnh Văn Khiết- lúc đó là Tổng giám đốc Dakruco.   

Tháng 12/2011, Dakruco chính thức khai sinh đơn vị trực thuộc mang tên Cty cổ phần Thương mại & Du lịch Bản Đôn, gồm 7 cổ đông, trong đó riêng 2 sáng lập viên chính chiếm trên 87% tỉ lệ góp vốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cty này là Huỳnh Nguyên Khải, cũng là con trai ông Huỳnh Văn Khiết. Chỉ 2 năm sau, Cty CP TM&DLBĐ báo lỗ 26 tỷ đồng.

Chuyện sản xuất chỉ thun

Đầu năm 2010, được tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất chỉ thun, Dakruco đã thành lập Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk - tên giao dịch là Dakruthread, để điều hành quản lý dự án có tổng vốn đầu tư trên 169,6 tỷ đồng. Tháng 7/2011 đại hội cổ đông, Huỳnh Bảo Minh- con trai ông Huỳnh Văn Khiết trở thành Chủ tịch HĐQT Dakruthread.

Tháng 8/2011, Dakruthread làm lễ khánh thành Nhà máy sản xuất chỉ thun công suất hơn 4.000 tấn/năm. Tháng 9/2012, Tổng Giám đốc Dakruco Huỳnh Văn Khiết về hưu. Đến cuối năm 2013, Dakruthread đã lỗ lũy kế 64 tỷ đồng, tỉ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn là 82,8%, trong đó riêng khoản nợ trung hạn phải trả cho Dakruco lên tới 135 tỷ đồng.

Ai bảo vệ rừng, ngân sách và quyền lợi người lao động?

Hiện khu du lịch đã đầu tư gần trăm tỷ do Cty cổ phần Thương mại & Du lịch Bản Đôn (Cty CP TM&DLBĐ) điều hành hơn nửa năm qua đã bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, hoang tàn. Cả nghìn hecta rừng dự án bị lâm tặc chặt phá, ra vào ngang nhiên như chốn vô chủ.

Ông Ma Phương - người nhận chức giám đốc Cty CP TM&DLBĐ từ đầu năm 2013 đến tháng 9/2014 xác nhận: Do làm ăn thua lỗ, Cty không chỉ nợ lương nhân viên, nợ tiền bảo hiểm xã hội mà ngay cả giám đốc như tôi cũng bị treo lương. Đến thời điểm khu du lịch đóng cửa, Cty vẫn còn nợ tôi 4 tháng lương chưa trả!   

Ông Dương Văn Xanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn than phiền: Khu du lịch Sinh thái - Văn hóa Bản Đôn bỏ hoang gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu du lịch Bản Đôn, thất thoát tài sản Nhà nước, rừng sinh thái bị khai thác vô tội vạ. Từ tháng 10/2014 huyện đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi rừng, đất rừng Dakruco đang quản lý, để giao cho đơn vị khác có đủ năng lực quản lý, bảo vệ. Chả hiểu sao tới nay tình hình vẫn thế !

Về hoạt động của nhà máy sản xuất chỉ thun, theo phân tích của Sở Tài chính Đắk Lắk, thì giá thành sản phẩm cao hơn giá bán, cộng với thực trạng quản lý yếu kém đã ngày càng đẩy tình trạng tài chính của Dakruthread vào “mức rất xấu và mất cân đối nghiêm trọng”. Còn “Cty con” từ cuối năm 2013 cũng đã báo cáo với “Cty bố”, là Dakruthread mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn với Dakruco! Thậm chí, phần vốn của Dakruco và các cổ đông khác đã góp vào Dakruthread cũng mất sạch!

Ngày 2/2/2015, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định: Hiện Dakruco vẫn phải chịu trách nhiệm trước tỉnh về việc quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng này, đồng thời yêu cầu Sở NN &PTNT sớm đề xuất hướng xử lý.

Trao đổi với PV Tiền Phong về dự án du lịch của Công ty Cao su Đắk Lắk, ông Y Dham Enuol, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Đắk Lắk xác nhận đây là mô hình đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. Với cả 2 dự án Du lịch và Chỉ thun, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Dakruco tái cơ cấu, xác định lại số cổ phần tham gia đóng góp để tìm đối tác chuyển quyền sở hữu, xử lý nợ xấu, nhưng chưa có ai mua! Còn đại tá Cao Thành Vinh, Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang tiếp tục điều tra những khuất tất của Dakruco!

Nguồn TPO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày