Kinh Doanh

Cục trưởng Cục Quản lý giá: Lợi nhuận sữa cao, phải điều tiết

Chủ Nhật | 22/06/2014 16:08

Từ 21/6 các đơn vị bán lẻ sữa phải nghiêm túc chấp hành quy định giá trần.
Kể từ hôm nay 21/6 mức giá sữa bán buôn và bán lẻ tối đa giảm từ 1 đến 31% so với mức giá cũ
Kể từ 21/6 mức giá sữa bán buôn và bán lẻ tối đa giảm từ 1 đến 31% so với mức giá cũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã lường trước việc doanh nghiệp (DN) lách giá trần và có giải pháp xử lý những trường hợp này.

Ngay sau khi có quyết định áp giá trần thì có DN đã rút sản phẩm bị áp giá khỏi thị trường và tung ra sản phẩm mới, Bộ Tài chính có lường trước được việc lách luật này?

Trong quá trình triển khai Quyết định 1079 về áp giá trần đối với 25 dòng sản phẩm của 5 DN sữa vừa bị thanh tra, chúng tôi đã lường trước vấn đề này.

Nếu DN thay đổi về trọng lượng sẽ lấy thay đổi về trọng lượng để áp lại giá trần đối với cùng dòng sản phẩm đó. Nếu DN thay đổi về chất lượng và quy cách, đóng gói, bao bì thì được coi là dòng sản phẩm mới. Với dòng sản phẩm mới này, đến ngày Quyết định 1079 có hiệu lực thì DN phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Khi đó DN phải làm 2 việc: Xác định giá tối đa cho dòng sản phẩm mới này. Trên cơ sở giá tối đa được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận thì DN đăng ký giá bán dòng sản phẩm này.

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ rà soát các chi phí hợp lý trong những dòng sản phẩm mới này và điều tiết một mức lợi nhuận hợp lý cho DN để quyết định giá tối đa trước khi DN đưa sản phẩm ra thị trường. Như vậy, nếu DN lách để ra sản phẩm mới vẫn phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về giá và nhà nước hoàn toàn kiểm soát được giá những sản phẩm mới này bằng giá trần.

Các DN cũng băn khoăn Bộ Tài chính căn cứ vào đâu để tính 15% chênh lệch giữa giá bán buôn và bán lẻ?

15% là mức chênh lệch tối đa. Còn tùy điều kiện sản xuất kinh doanh các DN có thể điều tiết trong khung 15% này. Đây là sự khống chế hợp lý để bảo vệ người tiêu dùng, không để chênh lệch quá lớn giữa giá bán buôn mà bán lẻ. Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá bán lẻ của DN.

Hiện nay chênh lệch giá giữa sữa ngoại và sữa nội rất lớn ví như trong điều kiện cùng một dòng sản phẩm giá sữa nội chỉ bằng 50- 60% giá sữa ngoại vậy tại sao chúng ta lại áp trần yêu cầu giảm giá đối với tất cả các sản phẩm không phân biệt giá hiện tại cao hay thấp. Điều này có làm giảm sức cạnh tranh của DN trong nước hay không?

Việc xác định giá trần 25 mặt hàng sữa của 5 DN là căn cứ trên kết quả thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh tra cho thấy, DN đã chi cho quảng cáo, khuyến mại rất cao, cần phải có sự điều tiết. Mỗi DN có mức chi khác nhau nên có sự điều tiết khác nhau. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, lợi nhuận của các dòng sản phẩm khá cao và khác nhau giữa các DN nên cũng có sự điều tiết khác nhau. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra; chi phí hợp lý, hợp lệ của các DN chúng tôi đã xác định được mặt bằng giá trần như đã công bố.

Chúng ta tin tưởng rằng sau khi áp giá trần và thực hiện các văn bản hướng dẫn thì mặt bằng giá sữa trên thị trường bán lẻ sẽ giảm.

Cảm ơn ông.

Nguồn Tiền Phong


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày