Kinh Doanh

Đánh giá lại GDP: Lợi bất cập hại

Hà Linh Thứ Tư | 04/09/2019 11:00

Ảnh: Khoahocdoisong.vn

Việc GDP tăng lên sẽ làm cho các con số nợ công, nợ ngân sách giảm xuống. Tuy nhiên trên thực tế, gánh nợ không giảm đi.
Ảnh: Khoahocdoisong.vn

Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017. Theo kết quả đánh giá, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010 – 2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu trước đó. Tổng quy mô nền kinh tế cũng tăng lên 275 tỷ USD thay vì 220 tỷ USD như năm 2017.

Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo đó cũng tăng lên ngưỡng 3.000 USD thay vì con số 2.590 USD như trước đó.

GPD cao: Lo ngại hay vui mừng?

Đánh giá về kết quả này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ: "Tôi ngạc nhiên và lo ngại về kết quả này". Theo Tổng cục thống kê, sau khi đánh giá lại có bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp, những đơn vị trước đây chưa được tính toán vào quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, 76.000 doanh nghiệp này khá nhỏ so với tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp, song lại khiến GDP tăng thêm 25,4%. Điều này gây ra nhiều lo ngại cần phải làm rõ. Theo bà Lan, việc bổ sung những doanh nghiệp này không có nghĩa lúc trước họ vô hình. "Họ vẫn hoạt động hợp pháp, vẫn đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ. Do đó, khi tính thêm vào GDP, không có nghĩa những doanh nghiệp này sẽ làm tăng nguồn thu”.

Thực tế, hoạt động kinh tế tự chủ, kinh tế hộ gia đình có vai trò quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm. Tuy nhiên, mức độ đóng góp của khối này vào nền kinh tế còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2% trong tổng cơ cấu GDP.

“Cùng với đó, việc GDP tăng lên sẽ giúp người dân yên lòng khi các con số nợ công, nợ ngân sách giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, gánh nợ không giảm đi. Do đó, nếu Việt Nam căn cứ vào những số liệu hết sức lạc quan này thì sẽ làm quên đi việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất, phát triển kinh tế hiệu quả”, bà Lan đánh giá.

Con số chỉ mang tính hình thức?

Danh gia lai GDP: Loi bat cap hai
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đánh giá lại GDP là cần thiết. Kết quả đánh giá cho thấy Chính phủ đã có cái nhìn khác khi công nhận kinh tế hộ gia đình, kinh tế tự cung tự cấp. Việc đánh giá lại này đã làm thay đổi vị thế, vai trò của các thành phần kinh tế trong cơ cấu GDP.

Tuy nhiên, ông Thịnh lo ngại, con số “tăng trưởng” chỉ mang tính chất “hình thức”.  Theo phân tích của ông, khi quy mô nền kinh tế được đánh giá lại, nợ công hiện sẽ giảm từ 58,4% về dưới 50%. Tương tự, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP sẽ giảm từ 46% xuống dưới 40%, đầu tư công trên GDP cũng giảm xuống 23-24% so với mức 30% hiện tại. Trước thực trạng đó, chính phủ có thể vay nợ và bội chi nhiều hơn.

Ví dụ với trần nợ công là 50% GDP, nếu quy mô GDP là 200 tỷ USD, Chính phủ có thể vay nợ tối đa 100 tỷ USD, nhưng khi quy mô GDP là 300 tỷ USD, nợ vay có thể lên tối đa 150 tỷ USD. Điều này sẽ tác động lớn tới nền kinh tế của Việt Nam.

“Nếu đạt được điều này, rất có thể chúng ta đang nới rộng hơn về dư địa chi tiêu và đầu tư, vay nợ. Việc chi tiêu, đầu tư nếu không hiệu quả sẽ mang lại gánh nặng lớn đối với nền kinh tế”, ông Thịnh lo ngại.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sau khi tính lại, GDP có sự tăng trưởng đột biến so với trước đó. Kết quả mới có thể tạo ra sự lạc quan quá mức cho nền kinh tế, bởi những con số này đẹp hơn nhưng chưa chắc sẽ tốt hơn cho nền kinh tế do không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó, đối với người dân thì việc điều chỉnh GDP gần như không có ý nghĩa gì. Người dân đang có gì thì vẫn có như vậy, giờ người dân chỉ thêm cái lo lắng là Chính phủ có dùng GDP mới để tăng vay nợ hay thu thuế thêm hay không thôi. Họ chỉ có thêm mối lo chứ cơm áo gạo tiền thì vẫn thế.

►Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 6,8%

►GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng vì thương chiến


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày