Kinh Doanh

Deutsche Bank: Nhà đầu tư nên để mắt tới Việt Nam

Thứ Hai | 22/12/2014 21:45

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu không mấy sáng sủa, Deutsche Bank cho rằng giới đầu tư nên để mắt đến các thị trường biên nổi bật ở châu Á.

Deutsche Bank đưa ra lý do vì sao giới đầu tư nên để mắt đến các thị trường biên nổi bật ở châu Á, đặc biệt là Mông Cổ, Việt Nam và Sri Lanka.

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của Sri Lanka đã tăng vọt lên 7,5%, nhờ hòa bình và ổn định chính trị sau cuộc nội chiến 2009. Deutsche Bank dự báo nước này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP thực tế 7% đến cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, Việt Nam có thể đạt mục tiêu vĩ mô ấn tượng vào năm 2015 - tăng trưởng 6,2% và lạm phát dưới 5%.

Ổn định trong 5 năm tới

Nhà kinh tế cấp cao Juliana Lee tại Deutsche Bank nhận định hiệu suất của nhóm nền kinh tế biên châu Á - gồm Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam - tốt hơn các thị trường mới nổi.

Ngoại trừ Pakistan, 8 nước này đều tăng trưởng trên 5% trong hơn một thập kỷ qua. IMF dự báo lạc quan hơn, hy vọng xu hướng tăng trưởng sẽ tiếp diễn trong những năm tới, với Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar và Sri Lanka sẽ vượt mốc 7%.

Theo đó, Bangladesh, Pakistan và Việt Nam nhiều khả năng gia nhập nhóm nước có GDP 300 tỉ USD vào cuối thập kỷ này.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, Mông Cổ và Sri Lanka liên tục tăng từ mức thấp nhất, và hiện đã bằng với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay Indonesia. Báo cáo thực tế của World Bank cho thấy thu nhập ở hầu hết các nền kinh tế biên đều tăng 20-30%.

Nhẹ gánh nợ nần

Tại thời điểm tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chắc chắn, bất ổn trong thị trường tài chính tiếp tục gia tăng và những cơn gió ngược từ nợ nần đang tạo lực cản kiềm hãm tăng trưởng, gánh nặng nợ của các nền kinh tế biên như các quốc gia trên tương đối nhẹ nhàng.

Theo đó, yếu tố nhân khẩu học thuận lợi, thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu mở và thế hệ doanh nhân đầy khát vọng trở thành điểm sáng của các thị trường này. Họ hứa hẹn còn được hưởng lợi từ quá trình hội nhập thương mại khu vực và sự hiệu chỉnh kinh tế của Trung Quốc.

Quy mô của các nền kinh tế biên cũng được mở rộng, dân số của Việt Nam 90 triệu người, Bangladesh (156 triệu), Myanmar (51 triệu), Pakistan (183 triệu) đủ lớn để có thể tạo ra hàng chục triệu người tiêu dùng thuộc nhóm trung lưu, cả thời điểm hiện nay và trong vài năm nữa.

Theo nhà kinh tế cấp cao Juliana Lee, khi lãi suất toàn cầu thấp, nhiều khả năng dòng tiền sẽ chảy vào tín dụng doanh nghiệp. Các thị trường chứng khoán chính của khu vực, gồm Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, và Việt Nam, hiện có tổng vốn hóa thị trường đạt 175 tỉ USD.

Những con số số vĩ mô có thể khá ấn tượng, nhưng nếu muốn tận dụng được mức độ quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu, các nền kinh tế biên châu Á còn phải làm nhiều hơn để cải thiện môi trường kinh doanh.

Các chỉ số theo dõi thu hút FDI đến nay vẫn khiêm tốn, dù sự quan tâm của giới đầu tư vào Myanmar và VN vẫn ổn định. Hiện chỉ có Mông Cổ, Sri Lanka và Việt Nam mở cửa thị trường trái phiếu chính phủ, do đó không gian dành cho các nhà đầu tư thu nhập cố định trong các thị trường biên vẫn giới hạn.

Nguồn Tuổi trẻ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày