Kinh Doanh

Doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu: Tiếc cho gạo ST25?

Minh Anh Thứ Ba | 27/04/2021 11:01

Ở thị trường Mỹ có 5 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có tên ST25 đang trong quá trình xử lý. Ảnh: TL.

Một doanh nghiệp Mỹ sắp được chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25, nếu mọi chuyện suôn sẻ thì công bố chấp thuận thông qua bước đầu vào ngày 4.5 tới.
Ở thị trường Mỹ có 5 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có tên ST25 đang trong quá trình xử lý. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp đăng ký thương hiệu tại Mỹ có sai?

Theo Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, có 5 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (chứa tên gạo ST25) tại thị trường Mỹ. Các hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra". Tuy nhiên, nhãn ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc đã được thông qua bước đầu tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) thông qua, còn lại đang được yêu cầu bổ sung thông tin hoặc từ chối.

5 doanh nghiệp gồm, Thứ nhất là nhãn hiệu "The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong", đăng ký ngày 22.10.

Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18.6.2020 và 10.8.2020.

Nhãn hiệu thứ tư và thứ năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" và "Vietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang" đăng ký ngày 31.7.2020 và 1.9.2020.

Ảnh: TL.
Gạo ST25 do nhóm tác giả Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Ảnh: TL.

Liên lạc với ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST25, hiện ông chưa muốn trả lời liên quan đến vấn đề này. Gạo ST25 do nhóm tác giả Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019. Cũng trong cuộc thi này, năm 2020, gạo ST 25 tiếp tục được giải nhì.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): "Việc ra công bố của USPTO với I&T Enterprise, Inc ngày 4.5 là thuộc quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu".

"Hoạt động này nhằm giúp các chủ thể có liên quan được khiếu nại, phản bác, ý kiến về nhãn hiệu đang được xin bảo hộ. Mục đích của việc công bố là vậy", ông Bảy nói và cho biết 30 ngày sau khi công bố, doanh nghiệp vẫn được khiếu nại. Theo ông Bảy, ST25 là tên một giống lúa đã được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đăng ký bảo hộ giống cây trồng và sử dụng tên ST25 làm tên cho giống cây trồng được bảo hộ.

Gạo ST25 có thể xuất khẩu sang Mỹ?

ST25 là tên của giống lúa được bảo hộ và khi đã được bảo hộ thì chủ văn bằng bảo hộ giống lúa đó có quyền đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hay một số hành vi khác đối với vật liệu nhân giống. Cho nên, chủ doanh nghiệp này có quyền cho phép người khác sản xuất, kinh doanh lúa giống đó, trên cơ sở lúa giống đó và bà con có quyền gieo trồng lúa đó, tạo ra sản phẩm thu hoạch là thóc và chế biến thành gạo.

Với việc là tên gọi chung của sản phẩm, theo quy định của pháp luật, thì ST25 không được đăng ký độc quyền làm nhãn hiệu của bất cứ ai cả. Bởi vì khi đưa sản phẩm đó ra thị trường thì mọi người đều phải gọi nó là gạo ST25.

Ảnh: TL.
Quy trình sản xuất gạo ST25. Ảnh: TL.

"Ở thị trường Mỹ, đúng là có 5 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có tên ST25 đang trong quá trình xử lý, nhưng theo pháp luật Mỹ, tên ST25 sẽ không được đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu. Chính vì vậy, không có chuyện doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu ở đây", ông Bảy chia sẻ.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tại Mỹ có những công ty chuyên tìm hiểu các mặt hàng bán chạy hay có tiềm năng của các nước xuất khẩu vào nước họ để đăng ký bản quyền thương hiệu trước, hoặc chính các nhà nhập khẩu đăng ký tại Mỹ để tạo ra các lợi thế trong mua bán hàng sau này. 

Về luật thì họ không sai, nhưng không phải cứ đăng ký là được vì còn nhiều quy định liên quan. Hơn nữa, ngoài tên thì mỗi doanh nghiệp còn có bảo hộ về logo, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… cho sản phẩm nên vẫn có những cách để đấu tranh lấy lại thương hiệu hoặc xuất khẩu sang Mỹ. Cũng theo ý kiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu các quy định và đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình tại các thị trường tiềm năng để tránh bị mất hoặc tranh chấp về sau.

►Gạo Việt tăng tốc trên thị trường xuất khẩu lẫn nội địa


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày