Kinh Doanh

Giá dầu Mỹ có tuần giảm lớn nhất kể từ tháng 3

Thứ Bảy | 11/07/2015 06:18

Trong khi đó, tuy tăng 0,2% trong phiên thứ Sáu cuối tuần, song giá dầu Brent vẫn giảm 2,6% trong cả tuần.

Giá dầu Mỹ ghi nhận tuần giảm giá lớn nhất kể từ tháng 3 do lo ngại dư cung và nhu cầu tại eurozone và Trung Quốc suy yếu.

Chốt phiên 10/7, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 8/2015 trên sàn Nymex New York giảm 4 cent, tương đương 0,1%, xuống 52,74 USD/thùng. Cả tuần giá giảm 7,4%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3.

Trong khi đó, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 8/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 12 cent, tương ứng 0,2%, lên 58,73 USD/thùng. Tuy vậy, cả tuần giá vẫn giảm 2,6%.

Hôm thứ Sáu 10/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thị trường dầu toàn cầu tiếp tục dư cung trong năm 2016 và cảnh bảo giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa.

Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới và giá dầu có thể có đợt lao dốc mới. Trong báo đầu tiên về thị trường dầu thô 2016, IEA cho biết, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo giảm xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2016, thấp hơn so với 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong khi đó, hãng dịch vụ giếng dầu Baker Hughes Inc cho biết, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ trong tuần kết thúc vào 10/7 tăng thêm 5 giàn, ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp sau khi giảm liên tục 29 tuần trở lại đây, gia tăng lo ngại về sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng.

OPEC sẽ công bố báo cáo hàng tháng về thị trường dầu vào ngày thứ Hai 13/7.

Cũng hôm thứ Sáu 10/7, Commerzbank đã hạ dự báo giá dầu Brent thêm 10 USD/thùng xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay. Năm 2016, Commerzbank dự báo giá dầu Brent bình quân đạt 73 USD/thùng, giảm so với 78 USD/thùng dự báo trước đó.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân của Iran được gia hạn đến đêm thứ Hai 13/7. Nếu các cuộc đàm phán tạm dừng hoặc bị trì hoãn đáng kể, các lệnh trừng phạt Iran sẽ không thể được dỡ bỏ và nước này không thể tăng xuất khẩu dầu trong những tháng tới. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường do lo ngại việc Iran tăng xuất khẩu dầu sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng dư cung hiện nay và kéo giá dầu giảm hơn nữa.

Lo ngại về kinh tế Hy Lạp và tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá dầu trong tuần khi giới thương nhân cố gắng xác định sự kiện nào có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu toàn cầu.

Phan Nguyễn

Nguồn WSJ, Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày