Kinh Doanh

HSBC: Thách thức của Việt Nam năm 2020

Thanh Hằng Thứ Hai | 30/09/2019 14:00

chuyên gia kinh tế HSBC cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức lớn.

Trong năm 2020, Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế nào? Và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế lớn ra sao? Dưới đây là ghi nhận của NCĐT về nhận định của ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường ASEAN của HSBC, về tình hình vĩ mô của Việt Nam và thế giới.

Theo đó, HSBC cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, trong đó ngành điện tử dẫn đầu xu hướng giảm này. Ngân hàng ước tính tác động trực tiếp của thương chiến lần lượt ở mức âm 2% GDP đối với Trung Quốc và âm 0,4% GDP đối với Mỹ. Là thị trường quan trọng đối với các quốc gia ASEAN, thị trường nội địa Trung Quốc có ý nghĩa lớn với Việt Nam khi tỉ lệ hàng Việt xuất khẩu vào Trung Quốc đã tăng mạnh từ 5% GDP lên 12% GDP trong 10 năm, trong khi tỉ lệ này chỉ tăng nhẹ đối với thị trường Mỹ.

Dòng vốn FDI đầu tư vào ASEAN trong năm 2019 là một tiêu điểm. Lần đầu tiên trong nhiều năm, ASEAN nhận đầu tư trực tiếp nhiều hơn Trung Quốc và chuyên gia của HSBC tỏ ra lạc quan về triển vọng của dòng vốn này trong tương lai. Việt Nam và Campuchia dẫn đầu trong các quốc gia ASEAN về tỉ lệ FDI trong nền kinh tế. Trước năm 2007, tỉ lệ này đồng đều giữa các quốc gia, tuy nhiên sau đó có một sự bứt phá rõ rệt trong 2 quốc gia láng giềng. Đáng chú ý, có sự chuyển dịch trong cơ cấu nhà đầu tư trong năm 2019 vào Việt Nam, khi các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc áp đảo những nhà đầu tư đến từ quốc gia lâu năm là Hàn Quốc.

Theo HSBC, Việt Nam được cho rằng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến Mỹ - Trung trong dài hạn, sau khi chịu tổn thất tạm thời trong thời gian trước mắt. 5% GDP là con số ước lượng lợi ích mà Việt Nam sẽ nhận được nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu dưới tác động của thương chiến. Trong khi đó, các quốc gia ASEAN khác hưởng lợi không đáng kể trước dòng dịch chuyển này.

 

HSBC dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2020 sau khi đạt được mục tiêu 6,7% trong năm nay. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lần lượt ở mức 1,7% và 5,8% trong năm 2020, so với mức 2,1% và 6,2% sẽ đạt được trong năm nay.

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam duy trì ổn định ở mức 7-8% GDP kể từ năm 2011. Cũng trong thời gian đó, xuất khẩu của khối FDI tăng trưởng với tốc độ cao, từ mốc không đáng kể đến gấp rưỡi khối nội vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, khoảng cách này đang có xu hướng thu hẹp khi năm 2019, khối nội đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn rất nhiều.

Cơ hội cho Việt Nam được vị chuyên gia dự đoán đến từ việc đa dạng hóa quan hệ hợp tác, thể hiện ở các hiệp định thương mại RCEP, CPTPP và EVFTA vừa ký kết. Cho đến nay, Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu trong danh mục thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó hàng may mặc, giày dép phụ thuộc nhiều nhất khi liên tục duy trì ở mức 46-48% trong cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc từ năm 2013 đến nay. Ngành hàng điện tử, vốn có đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, tuy có tăng trưởng đáng kể nhưng ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ hơn. Việc ký kết EVFTA có thể cộng thêm từ 0,2-0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm và các hiệp định này giúp quốc gia tránh được sự phụ thuộc quá nhiều vào 2 nền kinh tế lớn.

Ông Incalcaterra cho rằng Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức không nhỏ. Thứ nhất là cơ cấu nhập khẩu cô đọng, đặc biệt là nhập khẩu quá nhiều từ thị trường Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc duy trì tình trạng thâm hụt từ nhiều năm nay, lên đến khoảng 10% GDP. Thách thức thứ 2 đến từ việc kiểm soát lạm phát. Kể từ khi đạt đỉnh 27% vào năm 2008, CPI đã liên tục được Chính phủ kiểm soát và giữ ổn định ở mức dưới 5% trong những năm gần đây. HSBC dự báo CPI lần lượt ở mức 2,7% và 3% trong năm 2019 và 2020.

 

Giải quyết những rủi ro tài chính là thách thức kế tiếp của Chính phủ. Theo ông Incalcaterra, các biện pháp bảo vệ vĩ mô đã giúp dịch chuyển dòng vốn vay từ bất động sản sang những ngành công nghiệp, trong khi tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. Việc giảm tỉ lệ cho vay các doanh nghiệp nhà nước là tín hiệu tích cực, nhưng tỉ lệ nợ tiêu dùng tăng nhanh đang hàm chứa rủi ro cho nền kinh tế.

Nợ công là thách thức cuối cùng. Kể từ khi liên tục tăng từ năm 2012 và gần chạm ngưỡng an toàn 65% vào năm 2016, lần đầu tiên tỉ lệ nợ công giảm 1 năm sau đó và ổn định ở mức an toàn vừa phải 61,3%. HSBC dự đoán tỉ lệ này tiếp tục được duy trì trong năm 2019 và 2020. Cán cân thanh toán dương cho phép Ngân hàng Nhà nước gia tăng dự trữ ngoại hối, từ đó HSBC dự đoán tỉ giá sẽ giữ ổn định trong năm 2020. “Tuy đây là một giai đoạn nhiều thách thức, nhưng nền kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục phát triển”, chuyên gia của HSBC kết luận.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày