Kinh Doanh

Lo ngại giảm khả năng cạnh tranh của ngành du lịch do chính sách thị thực

Thứ Năm | 06/06/2013 23:11

Nếu thu hồi chính sách miễn thị thực với Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, Việt Nam sẽ mất đi một lượng du khách chi tiêu cao.
Hiện tại giữa các Bộ liên quan của Chính phủ đang thảo luận về khả năng thu hồi chính sách miễn thị thực cho các du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.

Trong khi còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2013 (VBF) diễn ra hồi đầu tuần này, nhóm công tác của VBF cho rằng, việc thu hồi chính sách miễn thị thực đối với các du khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng khách đến Việt Nam từ các quốc gia này.

Theo nhóm công tác, Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất; trong khi thị trường khách du lịch Nga tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2012.

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ các quốc gia được hưởng chính sách miễn thị thực nói chung và cụ thể từ ba quốc gia trên đều có xu hướng tăng hàng năm. Năm 2012, có gần 701 nghìn lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, tăng 30,7% so với năm trước. Bên cạnh đó, số lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam vào năm 2012 xấp xỉ 576 nghìn lượt, tăng khoảng 19,7%. Đáng chú ý hơn cả là số du khách Nga đến Việt Nam trong năm 2012 tăng đột biến lên 174 nghìn lượt khách, tương đương với mức tăng 71,49%.


"Chúng tôi được biết cả hai nhóm du khách đến từ Hàn Quốc và Nga trên đều đặt lịch trình và quyết định đến Việt Nam trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, việc dỡ bỏ chính sách miễn thị thực sẽ có thể có ảnh hưởng bất lợi đối với lượng khách đến từ các quốc gia này", nhóm công tác cho biết.

Nhóm công tác cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng chính sách hiện tại đang làm cho Việt Nam mất đi một lượng khách du lịch đơn lẻ (FIT) có mức chi tiêu cao và cũng khiến cho Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng.

Ngoài ra, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là đón 10-10,5 triệu khách du lịch quốc tế và 47- 48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu nhập đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước. Và nếu chính sách miễn thị thực bị dỡ bỏ, Việt Nam sẽ khó có thể đạt được mục tiêu này cũng như duy trì năng lực cạnh tranh của mình so với các nước láng giềng trong khu vực.

Do đó, nhóm công tác kiến nghị Việt Nam nên mở rộng thay vì thu hồi chính sách miễn thị thực để duy trì tính cạnh tranh và đồng thời giới thiệu một chính sách thị thực tại điểm đến hoàn chỉnh như các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Malaysia, Campuchia và Lào.

"Vì vậy, chính sách miễn thị thực cần được tiếp tục duy trì không chỉ đối với du khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga mà đối với cả các thị trường quốc tế khác", nhóm công tác kiến nghị.

Ngoài ra, nhóm công tác cũng kiến nghị đối với chính sách thị thực điện tử tại cửa khẩu, các cơ quan xuất nhập cảnh cần giới thiệu hệ thống xếp số thứ tự và bố trí đầy đủ chỗ ngồi cho khách chờ. Đồng thời, xem xét giảm phí cấp thị thực và tăng thu từ các nguồn gián tiếp khác.

Theo nhóm công tác, chính sách thị thực điện tử tuy đang phát triển đúng hướng nhưng không giải quyết được các vấn đề chính là thủ tục nhập cảnh và thời gian chờ. Hệ thống hiện tại cấp thị thực tại cửa khẩu còn thiếu quy củ và khá nhiều du khách phàn nàn rằng họ phải đợi từ 2 đến 2,5 tiếng trước khi nhận được thi thực. Hiện tại, không có cơ chế xếp số thứ tự, vì vậy, du khách khó có thể nhận ra tên của mình khi được gọi đến lượt. Ngoài ra, có rất ít không gian chờ và chỗ ngồi cho khách đợi.

Bên cạnh đó, phản hồi đối việc tăng lệ phí cấp thị thực không được tốt và rất nhiều du khách đang bắt đầu so sánh chi phí đến Việt Nam với Thái Lan. Và mặc dù đồng Bạt của Thái Lan khá là mạnh, phần lớn đều cho rằng chi phí đến Việt Nam hiện tại cao hơn đáng kể so với chi phí đến Thái Lan.

Nguồn Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày