Kinh Doanh

Nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam - VinaFood 2 sẽ kinh doanh bất động sản

Lan Anh Thứ Hai | 09/12/2019 20:47

Photo: bizlive.vn

Chuyển sang công ty đại chúng, VinaFood 2 sẽ tận dụng lợi thế đất đai sẵn có để mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng bất động sản.
Photo: bizlive.vn

Tổng công ty Lương thực miền Nam (VinaFood 2 – mã VSF) sẽ tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 21/12 tới đây. Đây sẽ là ĐHĐCĐ lần thứ 2 của công ty từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tới đây, HĐQT của Tổng công ty sẽ trình cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản; Đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa… và sửa đổi, bổ sung vào Điều lệ Tổng công ty.

Ngoài ra, VinaFood 2 cũng trình cổ đông về việc sở hữu của cổ đông nước ngoài là 0% vốn điều lệ theo quy định của Nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và năm 2019, thị trường gạo xuất khẩu trắng thông dụng của Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt do nguồn gạo giá thấp từ Myanmar và Pakistan.

Đặc biệt, tại thị trường truyền thống của Việt Nam nói chung và của Tổng công ty nói riêng là Philippines và Indonesia, thị phần này dự báo sẽ bị chia sẻ với nhiều nước, nhiều nhà xuất khẩu khác do sự thay đổi về chính sách mua hàng theo hình thức Chính phủ-tư nhân (G2P) của Indonesia và chính sách tự do hóa nhập khẩu của Philippines.

Dự kiến doanh thu năm 2019 của công ty mẹ ở mức 13.826 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu 305 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế ở mức 50,5 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất ở mức 21.286 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 53 tỷ đồng. Năm 2019, Tổng công ty không chia cổ tức.

Về kết quả kinh doanh năm 2018, VinaFood 2 cho ra con số lỗ khủng tới 1.834 tỷ đồng.

Theo Tổng công ty, số lỗ khủng trên do phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi 655,7 tỷ đồng; trích lập dự phòng tổn thất tài sản tại công ty Lương thực Trà Vinh gần 662 tỷ đồng; trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 425,5 tỷ đồng; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 41,5 tỷ đồng; Lỗ sản xuất kinh doanh từ 09/10/2018-31/12/2018 là 51,5 tỷ đồng.

Do đó, vốn chủ sở hữu giảm 34,8% từ mức 5.236 tỷ đồng còn 3.414 tỷ đồng do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh từ 09/10/2018 đến 31/12/2018.

Khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, VinaFood 2 cũng cho rằng, công tác xử lý tài chính, quyết toán vốn nhà nước thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (09/10/2018) đến nay còn nhiều vấn đề chưa được xử lý như: Tài sản không cần dùng, chờ thanh lý tồn đọng lớn.

Các khoản nợ tồn đọng, thiếu hụt hàng tồn kho làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn lưu động của Tổng công ty trước và sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (09/10/2018) được xác định lại giá trị đầu tư tài chính là: 1.281 tỷ đồng, nhưng các đơn vị kinh doanh thua lỗ làm giảm vốn Tổng công ty tại các đơn vị này dẫn đến khi chuyển sang công ty cổ phần phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tương đương 425,5 tỷ đồng (trong đó có 10 công ty cổ phần đã mất hết vốn với giá trị: 328,5 tỷ đồng).

Trong giai đoạn cổ phần hóa từ 01/4/2015 đến thời điểm 08/10/2018, các khoản trích lập dự phòng đã được hoàn nhập tăng vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định 59 của Chính phủ, nên khi chính thức chuyển thành cổ phần, Tổng công ty phải trích lập dự phòng đầy đủ cho các giai đoạn trước đó với số tiền 1.728 tỷ đồng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh giai đoạn sau cổ phần hóa.

Nguồn Bizlive


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày