Kinh Doanh

Nợ công có thể là chuyên đề kiểm toán năm tới

Thứ Ba | 07/10/2014 14:51

Không chỉ kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách Nhà nước, mà nợ công có thể sẽ được kiểm toán chuyên đề.
Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại kế hoạch kiểm toán 2015, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp hôm 6/10.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán đến 15/9/2014 cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước. Trong đó, còn tình trạng các doanh nghiệp nhà nước quản lý công nợ, hàng tồn kho và vốn nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí, tiềm ẩn rủi ro kinh doanh thua lỗ, mất vốn…

Năm 2015, toàn ngành tập trung tổ chức thực hiện 184 cuộc kiểm toán, giảm 2 cuộc so với năm 2014, Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Chọn công tác quản lý nợ công 2014 là một trong 10 chuyên đề cho năm sau, theo Kiểm toán Nhà nước là nhằm đánh giá tính trung thực, hợp lý của các báo cáo nợ công năm 2014.

Các vấn đề khác liên quan đến nợ công cũng sẽ được đánh giá, như sự đồng bộ, đầy đủ, hợp lý, khả thi trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nợ công.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ xem xét việc đề xuất danh mục dự án và việc đàm phán, ký kết hiệp định vay với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, việc vay và trả nợ Chính phủ.

Cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, quản lý và sử dụng quỹ tích luỹ trả nợ và các quỹ liên quan cũng nằm trong nội dung được kiểm toán.

Đồng tình với kế hoạch kiểm toán đối với lĩnh vực quản lý nợ công, song Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước lưu ý đánh giá việc sử dụng nguồn vốn vay ODA. Đồng thời, loại bỏ những đối tượng kiểm toán nợ công mà Bộ Tài chính đã kiểm tra ra khỏi kế hoạch kiểm toán 2015.

Bên cạnh nợ công, danh mục kiểm toán chuyên đề năm sau còn có thực trạng thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Với chuyên đề này sẽ thực hiện kiểm toán tại các tổ chức tín dụng nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước nhà nước chiếm chi phối trên 50%.

Thực trạng thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 cũng nằm trong kiểm toán chuyên đề của 2015.

Trong kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 có tên 35 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng… Như, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam…

Ngoài danh sách trong kế hoạch, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị tập trung kiểm toán đối với các đơn vị kinh doanh thua lỗ, hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong các năm gần đây.

Đánh giá lại hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nợ của ngân hàng cũng là nội dung được Thường trực Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung đánh giá trong năm sau.

Nguồn VnEconomy


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày