Kinh Doanh

Phó Thống đốc NHNN: Thời điểm tồi tệ nhất của các Ngân hàng đã qua

Thứ Tư | 19/03/2014 11:24

Đến giờ, sự ổn định đã trở lại, các Ngân hàng yếu kém nhất của Việt Nam cũng đã ổn định và huy động vốn nhanh.

Vietnam Access Day diễn ra ngày thứ hai với bài phát biểu của Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú vớichủ đề "Liệu thời điểm tồi tệ nhất của hệ thống các Ngân hàng đã qua?"

Quãng đường 3 năm của những chính sách điều hành

"Tôi không đồng tình với từ "tồi tệ nhất" nhưng cũng có thể nói là "giai đoạn khó khăn phức tạp" của thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Hy vọng qua diễn đàn này, mỗi người sẽ có đánh giá riêng của mình", - Phó thống đốc phát biểu.

Điểm lại quãng thời gian 3 năm qua, tức từ cuối năm 2010, đặc biệt là năm 2011 và đầu năm 2012, ông Đào Minh Tú đánh giá đây là một giai đoạn hết sức khó khăn phức tạp của nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng. Thời điểm đó, với lạm phát rất cao (18,13%), hàng loạt vấn đề vĩ mô hết sức phức tạp, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó.

Các ngân hàng nhỏ bộc lộ yếu kém, nợ xấu xuất hiện rất nhanh, khả năng thanh khoản của các ngân hàng giảm trầm trọng. Trước sự cấp thiết như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN có những chính sách quyết liệt, đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cải cách lại hoat động của hệ thống NH.

Với những chính sách đó, từ chỗ lãi suất cho vay cuối năm 2010, 2011 lên tới 20 -22%, vào ngày 17/03/2014, một lần nữa NHNN hạ lãi suất. Ông Tú cho biết, lãi suất cho vay hiện nay rất thấp, thấp hơn mặt bằng lãi suất năm 2005.

Bên cạnh chính sách về lãi suất, phó Thống đốc khẳng định lần nữa rằng trong năm 2014 chính sách tỷ giá ổn định sẽ tiếp tục được duy trì.

Về thị trường vàng, ông Tú cũng cho biết sẽ quản lý theo hướng tạo điều kiện phát triển vàng trang sức, còn vàng miếng vẫn duy trì chính sách như trước.

Thời điểm tồi tệ nhất đã qua

Cách đây hơn 2 năm, tình trạng của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng nhỏ rất khó khăn. Việc đầu tiên mà các nhà quản lý làm là làm rõ thực trạng và khả năng vốn của tất cả các Ngân hàng, đánh giá được sức khỏe của từng ngân hàng một. Cuối năm 2012, những việc đó đã được làm xong.

Trên cơ sở đó, đối với các NHTM ổn định, lành mạnh thì NHNN tiếp tục tạo điều kiện và có cơ chế cho các ngân hàng này, không để các ngân hàng kém lây lan sang. Còn các ngân hàng kém thì buộc sáp nhập và có biện pháp quản lý chặt những yếu kém đó.

Đề án 254 được xây dựng nhằm cơ cấu lại toàn bộ các TCTD với bước 1 đến 2015, bước 2 đến 2020 để từng bước đưa các ngân hàng phục hồi lại, không để ngân hàng đổ vỡ nhưng trên cơ sở tự nguyện, tự tìm ra phương án cơ cấu lại chính mình. Cụ thể hơn, đối với các ngân hàng yếu kém, có thể tự nguyện sáp nhập với nhau, có ngân hàng tăng vốn, có ngân hàng đang kêu gọi các NĐT chiến lược nước ngoài.

"Đến giờ, sự ổn định đã trở lại, các ngân hàng yếu kém nhất của Việt Nam cũng đã ổn định lại, và huy động vốn nhanh. Điều đó cho thấy niềm tin của người dân đối với NH đã trở lại."

Ông Tú cũng chia sẻ, đối với NHTM nhà nước lớn và các NHCP lớn, NHNN có chính sách tạo điều kiện để các ngân hàng phát triển lớn hơn nữa, sao cho đến năm 2020, Việt Nam có những Ngân hàng quy mô ở tầm khu vực. Các ngân hàng đang khó khăn hiện nay nhưng có triển vọng phát triển ổn định thì NHNN giám sát rất chặt chẽ năng lực tài chính lẫn quản trị điều hành.

Nợ xấu đã tăng trưởng khá nhanh trong những năm qua do nhiều nguyên nhân. Nhưng sự ra đời của VAMC là một bước tiến tích cực. Đến nay, VAMC đã mua được lượng nợ xấu khoảng 40.000 tỷ.

"Các TCTD có nợ xấu lúc đầu còn nghi ngại nhưng giờ rất phấn khởi và tích cực đăng ký bán nợ xấu. VAMC hiện đang tiếp xúc rất nhiều với các NĐT nước ngoài nhằm bán những khoản nợ này. Đây cũng là cơ hội cho các NĐT". - ông Tú cho biết.

Khẳng định lại lần nữa, ông Tú đánh giá đây là cơ hội để các NĐT nước ngoài tham gia vốn mạnh mẽ vào các TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém. Đầu năm nay, Nghị định 01/2014/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực vào ngày 8/2, quy định một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được phép sở hữu cổ phần tối đa ngang với 20% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam- cao hơn mức 15% trước đó. Điều này đã thể hiện quan điểm của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài.

Không những thế, ông Tú cho biết định hướng cải cách manh mẽ của Thủ tướng là có thể cho phép một tỷ lệ cao hơn rất nhiều trong giai đoạn sau.

"Tôi cho rằng thời điểm tồi tệ nhất, nếu như có thể coi đó là giai đoạn cuối năm 2011 -2012 thì thời điểm đó đã qua rồi." - phó Thống đốc kết luận.

Nguồn CafeF


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày