Kinh Doanh

Thủ tướng sẽ phát biểu tại phiên đầu tiên của G7 mở rộng

Thứ Năm | 26/05/2016 11:58

Trong lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong 4 người phát biểu tại phiên họp.

Khi tham dự phiên đầu tiên này, Thủ tướng dự kiến nêu cao vai trò của Nhật Bản và cả các nước G7 trong việc đưa phát triển cơ sở hạ tầng trở thành một ưu tiên hợp tác khu vực. Ông cũng sẽ kêu gọi các nước hỗ trợ Việt Nam và các nước Mekong đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Thủ tướng cũng sẽ trao đổi về vai trò của Việt Nam với sự phát triển của khu vực và thế giới.

Bên lề G7, ông sẽ gặp gỡ lãnh đạo các nước G7 và lãnh đạo các khách mời, trong đó có Pháp, Canada, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đóng góp trong định hình hợp tác ở sông Mekong, trong cơ chế tiểu vùng Mekong - Nhật Bản, và cùng duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia hội nghị G7 mở rộng với tư cách khách mời. Diễn ra vào ngày 27/5 tại tỉnh Mie, hội nghị gồm hai phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi.  

Cùng lãnh đạo các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), các khách mời còn có đại diện của Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và Chad. Các tổ chức quốc tế gồm Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thủ tướng Việt Nam sáng nay đã lên đường đi thăm Nhật Bản, nhằm khẳng định chính sách của Việt Nam sau Đại hội 12, tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu. Ông sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe. Thảo luận song phương sẽ bàn về thúc đẩy kết nối nền kinh tế hai nước, Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hạn hán, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác an ninh trên Biển Đông. 

Thủ tướng Phúc cũng sẽ tham gia Đối thoại chính sách cấp cao Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật, với gần 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia.Các dự án sẽ được xem xét lần này gồm xây dựng Đường sắt đô thị TP HCM, Nhiệt điện Thái Bình, cải thiện môi trường nước, hợp tác giữa hãng hàng không Nhật Bản Ana Airlines và Vietnam Airlines. 

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, là nhà đầu tư số hai và là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch hai chiều đạt hơn 28,5 tỷ USD. Quý I năm nay, kim ngạch hai nước đạt hơn 6,4 tỷ USD.  

Nguồn VnExpress


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày