Kinh Doanh

Tổng giám đốc PVN: Nguy cơ thừa ethanol dù tăng tiêu thụ xăng E5

Thứ Sáu | 11/01/2013 18:33

Dù Chính phủ có giải pháp để xăng E5 (sản phẩm pha ethanol) được sử dụng rộng rãi hơn nhưng lãnh đạo PVN cho rằng hành động này chưa đủ.
Trong hội nghị ngành Công thương sáng nay (11/1), Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PVN) Đỗ Văn Hậu cho hay, mặc dù Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết cho phép xăng pha 5% ethanol (xăng E5) được tiêu thụ rộng rãi hơn, nhưng nguy cơ là vẫn sẽ thừa rất nhiều ethanol.

"Trong năm nay, PVN sẽ đưa 2 nhà máy sản xuất ethanol vào hoạt động chính thức, với sản lượng như vậy thì đòi hỏi các tập đoàn khác ủng hộ, nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Nếu Petrolimex không ủng hộ nhiệt tình thì sẽ khó tiêu thụ được", Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu nói.

Từ 1/12/2014, xăng E5 sẽ được tiêu thụ tại 7 tỉnh thành gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi. Từ 1/12/2015, xăng E5 được tiêu thụ trên cả nước.

Không chỉ kêu gọi Petrolimex, ông Hậu cũng đề xuất Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) "giúp đỡ" tiêu thụ sản phẩm của nhà máy sơ sợi Đình Vũ.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, hiện các Tổng công ty, tập đoàn Nhà nước đã cùng nhau ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Đỗ Văn Hậu đề xuất tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm giải quyết vấn đề tài chính giữa 2 đơn vị. Trong buổi họp tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012, chủ tịch PVN - ông Phùng Đình Thực cho biết EVN nợ tập đoàn này trên 10 nghìn tỷ đồng tiền mua điện. Được biết, khoản nợ này đã kéo dài từ cuối năm 2011 đến nay mà vẫn chưa được xử lý triệt để.

Về tình hình kinh doanh, năm 2012, PVN đạt 773,7 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 17,2% so với kế hoạch năm và tăng 15% so với kế hoạch năm 2011. Với kết quả trên, PVN nộp ngân sách 187 nghìn tỷ đồng, vượt 52 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư ra nước ngoài, lãnh đạo PVN thông tin, tập đoàn đang gặp khó khăn trong dự án khai thác dầu khí ở Venezuela do môi trường kinh tế xã hội không thuận lợi (lạm phát cao, tỷ giá tăng). Theo đó, nếu đầu tư 4 USD vào thì thực chất chỉ có 1 USD thực tế tham gia vào dự án, ông cho hay.

Nguồn Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày