Kinh Doanh

WEF: Năng suất là yếu tố then chốt tăng cường năng lực cạnh tranh Việt Nam

Thứ Sáu | 28/11/2014 14:39

Tuy đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Sáng nay (28/11), Hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của ông Philipp Roesler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Minh Sơn, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Minh Sơn nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong 30 năm qua, trở thành một nước thu nhập trung bình, có nền kinh tế phát triển năng động. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn chưa bền vững, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước. Rõ ràng, tuy đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới sâu rộng hơn. Năm 2015, Cộng đồng Asean sẽ chính thức đi vào hoạt động. Việt Nam đang chuẩn bị kết thúc đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các đối tác chủ chốt như EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakstan. Đồng thời nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP).

Các liên kết kinh tế đa tầng nấc này với luật chơi mới và mức độ mở cửa thị trường sâu rộng vừa tạo ra không gian phát triển mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt, do đó nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Ông Philipp Roesler khẳng định, Việt Nam nên tự hào về những gì đã đạt được trong 30 năm qua. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sắp tới nhưng Việt Nam đang có đầy tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng hơn nữa, ông Roesler nhận định.

Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, ông Thierry Geiger, Phó Giám đốc chương trình Mạng lưới đánh giá toàn cầu của WEF đã phân tích và đưa ra lời khuyên để Việt Nam đáp ứng được những thách thức về nâng cao năng suất trong thời gian tới, yếu tố then chốt để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo đó, Việt Nam cần có những nhân tố yêu cầu "cơ bản" đúng như cải thiện quản trị, ổn định môi trường vĩ mô, đầu tư vào hạ tầng giao thông và năng lượng. Đồng thời, cải thiện yếu tố "nâng cao hiệu quả" như đầu tư vào giáo dục đại học, tạo môi trường bình đẳng và thúc đẩy cạnh tranh, chấn chỉnh ngành tài chính, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tiên tiến.

Tăng cường hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước, đòn bẩy ASEAN và thúc đẩy tham gia và đối thoại đa phương cũng là những điều Việt Nam nên làm, ông Thierry chia sẻ.

Nguồn DVO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày