Phát triển bền vững

Lego chọn mặt gửi Net Zero

Thủy Ngọc Chủ Nhật | 29/10/2023 07:00

Kết quả là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 9,1% lên 19,1 tỉ USD trong năm 2018, tiếp theo là tăng 6,7% lên 20,38 tỉ USD vào năm 2019. Ảnh: Quý Hòa.

Quyết định xây nhà máy hơn 1 tỉ USD tại Bình Dương, Tập đoàn Lego khẳng định sức hút đặc biệt của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Kết quả là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 9,1% lên 19,1 tỉ USD trong năm 2018, tiếp theo là tăng 6,7% lên 20,38 tỉ USD vào năm 2019. Ảnh: Quý Hòa.

Dù khó có thể thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới, nhưng Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án có vốn đầu tư lớn. Cách đây gần 2 năm, thị trường xôn xao khi Lego, tập đoàn sản xuất đồ chơi đến từ Đan Mạch, lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào Việt Nam. Không lâu sau khi thông tin được công bố, Lego đã tiến hành động thổ xây nhà máy tại Bình Dương. 

Chính sách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và những ưu đãi nhằm thu hút dòng vốn chất lượng cao của Việt Nam đã thôi thúc Lego chọn đất nước hình chữ S. Sự xuất hiện của Lego chứng tỏ chính sách thu hút vốn FDI chất lượng cao đã phát huy tác dụng.

“Về phía Lego, công tác xây dựng nhà máy đã được triển khai nhanh chóng. Nhà máy đã đạt tiến độ tốt khi triển khai xây dựng trung tâm năng lượng, trạm biến áp 110 kV, tòa nhà sản xuất, ép khuôn, đóng gói và kho hàng tự động trên 44 ha”, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego, Tổng Giám đốc Công ty Lego Manufacturing Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

Cộng hưởng làn sóng FDI 

Nhà máy Lego không phải là dự án tỉ USD đầu tiên Việt Nam đón nhận. Trước Lego, một số tập đoàn đã dám “chơi lớn” như Intel, Apple (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) hay gần đây nhất là Hana Micron.

 

Nếu Intel đã tiến vào Việt Nam với tổng giá trị đầu tư lên tới 4 tỉ USD cho việc mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM thì Hana Micron có kế hoạch trước năm 2025 sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam.

LG Innotek của Hàn Quốc điều chỉnh bổ sung thêm 1 tỉ USD trong tháng 7/2023, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 2 tỉ USD. Các tập đoàn lớn đang xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024.

Vốn FDI xanh đang hướng mạnh vào Việt Nam. Chính phủ có chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm trọng tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thông điệp trên tới Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 4/2023.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết lộ nhiều tập đoàn có kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỉ USD. Trong đó, nhà đầu tư Đức đầu tư dự án sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo 1,5 tỉ USD. Nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư 1,6 tỉ USD vào dự án sản xuất công nghiệp nặng và logistics.

Chung mục tiêu lớn

Đó là lý do khiến Lego quyết định xây nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Công ty ở khu vực châu Á tại Việt Nam. Nhà sản xuất đồ chơi số 1 thế giới đã trồng 50.000 cây xanh trong khu vực nhà máy. Số cây xanh này gấp hơn 2 lần số cây đơn loài bị chặt bỏ để xây dựng nhà máy. “Lego chọn Việt Nam để đặt nhà máy thứ 6 vì giữa Việt Nam và Lego có cùng chí hướng về phát triển bền vững và cùng cam kết đạt trung hòa carbon”, ông Preben Elnef chia sẻ.

 

Việt Nam còn là quốc gia có kế hoạch đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng cho hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo, có những ưu đãi cho vốn ngoại đầu tư vào đây. Vì thế, khi tiến hành khảo sát thực tế, lãnh đạo Tập đoàn Lego đã quyết định đầu tư tại Việt Nam thay vì mở thêm nhà máy thứ 2 tại Trung Quốc.

Một phần trong số tiền tỉ USD cũng được rót vào năng lượng mặt trời. Lego cho lắp đặt hơn 12.500 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng công suất 7,4 MW. Một trang trại năng lượng mặt trời khác cũng được xây dựng ở khu đất lân cận. Cả 2 công trình dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nhà máy.

Ông Preben Elnef cho biết, nhà máy của Lego tại Việt Nam sẽ là nhà máy bền vững nhất của Tập đoàn về mặt thiết kế, xây dựng với trang thiết bị hiện đại và tuân theo tiêu chuẩn cao nhất của LEED.

Ông Preben Elnef cho biết, sản phẩm Lego sản xuất tại nhà máy Việt Nam sẽ được gửi về trung tâm phân phối để từ đó trung chuyển, phân phối đến các thị trường trong Đông Nam Á. Lego ước tính sẽ tuyển dụng khoảng 4.000 lao động địa phương trong vòng 15 năm. Mục tiêu ngay trong năm nay là tuyển 100 nhân sự địa phương và sang năm 2024 sẽ nâng lên con số 500 nhân viên. Việc có đường biên giới sát với Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến Lego tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Năm 2022 có đến 50% cửa hàng mới của Lego được mở ở Trung Quốc. Chiến lược của Lego vẫn tập trung vào Trung Quốc.

Đặt nhà máy tại Việt Nam, Lego có thể rút ngắn đường đi của sản phẩm, nhờ đó tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí vận chuyển. Thực tế, Lego đã vượt qua cả Mattel (hãng sản xuất búp bê thời trang Barbie) để trở thành tên tuổi dẫn đầu toàn cầu trong thị trường đồ chơi, với doanh thu năm 2022 đạt hơn 6 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 4% lên 1,3 tỉ USD.

Việt Nam bắt đầu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2018 sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra và Washington áp đặt mức thuế cao hơn đối với các nhà sản xuất có hoạt động tại Trung Quốc. 

Kết quả là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 9,1% lên 19,1 tỉ USD trong năm 2018, tiếp theo là tăng 6,7% lên 20,38 tỉ USD vào năm 2019. Sự quan tâm đó càng nhiều hơn khi lệnh phong tỏa quy mô lớn vì đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc.

Trong khi đại dịch toàn cầu ban đầu đã cản trở dòng vốn FDI vào Việt Nam vào năm 2020, thì dòng vốn đầu tư lại đổ vào mạnh mẽ trong năm 2021 với tổng vốn FDI đăng ký mới trị giá 38,85 tỉ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt một số thách thức trong việc thu hút FDI chất lượng cao, chẳng hạn như lực lượng lao động có tay nghề thấp. Theo Chính phủ Việt Nam, chỉ 11% trong lực lượng lao động 51,4 triệu người của đất nước được coi là có tay nghề cao.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày