Phát triển bền vững

Nắng nóng kỷ lục "nướng chín" sinh vật trên bãi biển Canada

Minh Duy Thứ Hai | 12/07/2021 15:51

Trai chết bao phủ bãi biển tại Công viên Hải đăng ở Tây Vancouver, Canada. Ảnh: CNN.

Khoảng 500 người đã chết vì nắng nóng gay gắt liên tục ở tỉnh British Columbia và góp phần gây ra hàng trăm vụ cháy rừng.
Trai chết bao phủ bãi biển tại Công viên Hải đăng ở Tây Vancouver, Canada. Ảnh: CNN.

Theo The Guardian, hơn 1 tỉ động vật biển dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Canada đã chết vì đợt nắng nóng kỷ lục vào tuần trước. Điều này làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của các hệ sinh thái không quen với nhiệt độ khắc nghiệt.

“Vòm nhiệt” tồn tại ở phía tây Canada và phía tây bắc Mỹ trong 5 ngày liên tiếp đã đẩy nhiệt độ ở các cộng đồng dọc theo bờ biển lên 40 độ C, phá vỡ các kỷ lục lâu đời ở đây.

Khoảng 500 người đã chết vì nắng nóng gay gắt liên tục ở tỉnh British Columbia và góp phần gây ra hàng trăm vụ cháy rừng. Nhưng các chuyên gia lo ngại nó cũng có tác động tàn phá đến sinh vật biển.

Đợt nắng nóng kỷ lục quét qua tỉnh British Columbia vào cuối tháng 6 được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết hàng loạt của vẹm, hàu và các sinh vật khác trên bờ biển miền Tây Canada.

Vô số con vẹm chết há miệng và thối rữa trong vỏ của chúng trên bãi biển Kitsilano, thuộc thành phố Vancouver, trong đợt nắng nóng ngày 26-28.6.

Giáo sư Christopher Harley là người nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái của các bờ đá nơi trai, hàu và sao biển sinh sống, vì vậy ông muốn xem các động vật không xương sống vùng thủy triều hoạt động như thế nào trong đợt nắng nóng kỷ lục tấn công khu vực này hồi cuối tháng 6.

Christopher Harley ước tính rằng một tỉ con trai, hàu và các loài động vật khác đã chết vì nắng nóng. Ảnh: CNN.
Christopher Harley ước tính rằng một tỉ con trai, hàu và các loài động vật khác đã chết vì nắng nóng. Ảnh: CNN.

“Chưa đến nơi nhưng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối vì rất nhiều sinh vật ở đó đã chết từ hôm 26.6, mà đó chưa phải là ngày nóng nhất trong 3 ngày liên tiếp”, Giáo sư khoa sinh vật học Christopher Harley thuộc Đại học British Columbia cho biết.

Khu vực trung tâm Vancouver lần lượt ghi nhận nhiệt độ 37 độ C vào ngày 26.6, hôm 27.6 nhiệt độ ghi nhận 37,5 độ C và ngày 28.6 nhiệt độ lên đến 38,6 độ C.

Nắng nóng trên bãi biển còn nghiêm trọng hơn, với mức nhiệt Giáo sư Harley đo được vào ngày 27.6 là 51 độ C.

Theo giáo sư Harley, vẹm - loài sinh vật sống bám vào đá và các bề mặt khác ở biển - thường không thể sống ở mức nhiệt cao hơn 37,7 độ C trong thời gian dài. Do thủy triều xuống thấp vào thời điểm này trong năm, loài vẹm không thể cầm cự cho tới khi nước lên.

 

Biển Salish có khoảng 6.437 km đường bờ biển. Khi ta nhân lên những gì đang xảy ra cục bộ dựa trên khu vực vẹm sống, ta mau chóng có được con số khổng lồ những sinh vật đã chết. Mà đó là chỉ tính riêng loài vẹm. Giáo sư Harley nhận định.

Giáo sư sinh học biển Brian Helmuth thuộc Đại học Northeatern, Canada cho rằng: các bãi vẹm là hệ thống cảnh báo sớm về sức khỏe của biển, tương tự như rạn san hô.

“Ở biển, vẹm có chức năng gần như cây trong rừng. Chúng cung cấp môi trường sống cho các loài vật khác”, ông Helmuth nói.

Cái chết của một bãi vẹm có thể gây ra “hiệu ứng dây chuyền” tới các loài sinh vật khác.

Cả giáo sư Harley và Helmuth đều lo ngại rằng những đợt nắng nóng này ngày càng trở nên thường xuyên và không biết liệu các bãi vẹm có thể hồi phục được hay không.

“Điều khiến tôi lo lắng là nếu các đợt nắng nóng như vừa qua xảy ra là cứ 5 hoặc 10 năm một lần, thay vì 1.000 năm một lần, các bãi vẹm có thể chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian quá ngắn để thực sự hồi phục. Hệ sinh thái khi ấy sẽ biến đổi lớn”, ông Harley nói.

Các nhà khoa học khí hậu gọi đợt nắng nóng ở British Columbia và Tây Bắc Thái Bình Dương ở Mỹ là “chưa từng có”. Họ cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến những sự kiện này diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Nắng nóng kỷ lục thiêu đốt vùng Tây Bắc Thái Bình Dương


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày