Phát triển bền vững

Quyền lực của xanh

Thanh Hằng Thứ Tư | 12/04/2023 08:30

Trụ sở BASF tại Đức. Năm 2022, tỉ lệ năng lượng xanh trong tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu của tập đoàn là 16%. Ảnh: TL.

Trong phát triển bền vững, quyền lực lớn nhất thuộc về nhãn hàng và người tiêu dùng.
Trụ sở BASF tại Đức. Năm 2022, tỉ lệ năng lượng xanh trong tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu của tập đoàn là 16%. Ảnh: TL.

Từ tổng hành dinh khu vực của BASF ở Hồng Kông, ông Erick Contreras đã chuyển đến Việt Nam 4 năm về trước để đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Chi nhánh Việt Nam của BASF, công ty hóa chất lớn nhất thế giới về doanh thu (theo GlobalData). Ông đã chia sẻ với NCĐT về khả năng phát triển bền vững trong chuỗi giá trị ngành hóa chất tại Việt Nam.

Sau 26 năm hoạt động trong ngành hóa chất, ông nhận thấy đã có những thay đổi lớn nào trong ngành?

Về carbon, tôi nhận thấy có 2 thay đổi lớn. Một vài thập kỷ trước gần như chưa có thảo luận nào đáng kể về CO2. Tôi nghĩ mọi người bắt đầu cam kết chỉ trong 5-10 năm vừa qua. Nói chung, mọi người thống nhất năm 2050 là thời điểm hợp lý để đạt được phát thải ròng bằng 0 (net zero). Tại BASF, chúng tôi thay đổi theo cam kết này và tôi nghĩ chính phủ cũng vậy. Nhưng năm 2050 còn xa, nên chúng tôi đặt mục tiêu trung hạn giảm 25% phát thải CO2 vào năm 2030. Việc chia nhỏ thời đoạn này rất quan trọng và tôi nghĩ đây là điều đang thiếu ở Việt Nam.

 

Riêng đối với ngành hóa chất, tôi nghĩ việc này đã tăng tốc trong 5 năm gần đây nhờ những tác động của Chính phủ EU và việc Mỹ chấp nhận thực tế về biến đổi khí hậu.

Để tạo được tác động bền vững thật sự, không thể chỉ gói gọn trong phạm vi doanh nghiệp mà còn ở toàn bộ chuỗi giá trị. Theo ông, điều này đang được tiếp cận như thế nào?

Lấy ví dụ về bao bì giấy. Bao bì hiện nay khó tái chế vì có nhiều lớp giấy và lớp nhựa được ghép với nhau để tăng tính năng của bao bì. Chúng tôi đã chế tạo một lớp phủ thay thế các lớp nhựa trên, có thể phân hủy cùng với lớp giấy. Tất nhiên sẽ luôn có chênh lệch cao hơn về giá, khoảng 20-30%. Nhưng nếu nhìn vào tổng chi phí của toàn bộ chuỗi giá trị, nếu thật sự thực thi EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) vào công đoạn cuối của quá trình tái chế, chi phí tổng sẽ thấp hơn, vì nếu bao bì không thể tái chế, bạn sẽ phải trả nhiều hơn cho người tái chế để tách các lớp ra, chẳng hạn.

Thông thường, người ta chỉ nhìn vào một phần trong chuỗi giá trị. Ở đây chúng ta nhìn từ điểm khởi đầu, từ nguyên liệu thô, đến sản xuất, đến cuối chuỗi tái chế. Và tôi nghĩ đó là điều EPR muốn làm, họ sẽ có cơ chế đóng góp tài chính nếu bao bì khó tái chế.

Tỉ lệ vật liệu tái chế trong sản phẩm dễ được đo lường hơn. Hầu hết các công ty đa quốc gia có thể đo lường tỉ lệ tái chế, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khó hơn. Và họ tái chế bao nhiêu là một câu hỏi lớn, ít nhất theo quan điểm của tôi.

Là một công ty đa quốc gia, vai trò của chúng tôi là thúc đẩy ngành đi về phía trước, đặc biệt là thúc đẩy những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 và cả khách hàng. Chúng tôi đã tích cực tập huấn cho các nhà cung cấp dịch vụ như hậu cần, không chỉ về an toàn lao động mà còn về bền vững. Chúng tôi chia sẻ với họ mục tiêu của mình và họ sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu giảm dấu chân carbon.

Điều gì ảnh hưởng đến việc thay đổi hướng đến bền vững trong chuỗi giá trị?

Trong bền vững, nhãn hàng có nhiều tiếng nói. Ví dụ, khi một thương hiệu giày nói họ muốn 30% vật liệu tái chế, thì chúng tôi - nhà cung cấp sẽ cung cấp vật liệu có 30% tỉ lệ tái chế. Tùy thuộc họ yêu cầu gì, chúng tôi sẽ tuân theo, vì họ là người đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị. Đó là lý do vì sao tỉ lệ vật liệu tái chế trong sản phẩm dễ công bố hơn vì người tiêu dùng sẽ không có manh mối gì về việc tái chế 30% được kiểm chứng như thế nào. Nhưng nếu bạn mua một đôi giày có tỉ lệ vật liệu tái chế là 30% thì sẽ dễ hình dung hơn.

Chúng tôi đã bắt đầu sản xuất sản phẩm net zero tại EU. Chúng tôi tin nhà sản xuất hoặc nhãn hàng có thể muốn sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, họ có thể quyết định mua vật liệu tái chế, vật liệu net zero hoặc có nguồn gốc sinh khối, vì thế chúng tôi đề xuất với họ. Mục tiêu của BASF là sản xuất những nguyên liệu này với giá tương đương. Tuy chưa khả thi ở thời điểm hiện tại, nhưng chúng tôi nghĩ người ta sẵn lòng trả mức chênh lệch 20-30% cho nguyên liệu thô.

Chúng tôi cố gắng giữ mức giá trong khoảng đó, đôi khi thậm chí chỉ tăng 15% nếu có thể. Về cơ bản, vật liệu tái chế miễn phí, rẻ hơn nguyên liệu nguyên sinh, vì đó là rác thải. Chi phí chủ yếu nằm ở việc vận chuyển và năng lượng dùng để tái sản xuất. Hiện nay công nghệ tái chế đắt hơn, nhưng khi đạt đến quy mô lớn, tính kinh tế nhờ quy mô sẽ khiến công nghệ không còn đắt nữa. 

Nếu bạn muốn net zero, một điều đắt đỏ là bạn sẽ phải chuyển từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo mua từ những nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió, điều chúng tôi đang thực hiện tại BASF. Để đảm bảo cho nguồn cung điện tái tạo, chúng tôi mua cổ phần hoặc tham gia liên doanh tại trang trại điện gió ở châu Âu.

 

Tại Việt Nam, chúng tôi chưa thực hiện việc này vì chúng tôi chủ yếu nhập khẩu sản phẩm chứ chưa có nhà máy sản xuất. Chúng tôi chưa có nhu cầu về điện sản xuất, nhưng chúng tôi biết phải làm gì khi có, vì thị trường điện tại Việt Nam đã có 16% điện tái tạo.

Ngành công nghiệp hóa chất tác động tiêu cực lên môi trường ở 2 hoạt động chính là dùng nhiều năng lượng để sản xuất và sử dụng nguyên liệu hóa thạch (dầu mỏ). BASF đã làm gì để giảm tác động tiêu cực? Theo ông, thời điểm mà toàn bộ tác động tiêu cực này được trung hòa có xảy ra trong tương lai gần?

Là công ty sử dụng nhiều năng lượng, chúng tôi đặt mục tiêu tham vọng là trung hòa khí hậu vào năm 2050 và giảm 25% khí nhà kính của mình vào năm 2030 (so với năm 2018). Để làm được điều này, chúng tôi sẽ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và đẩy nhanh triển khai các công nghệ và sản phẩm mới không phát thải CO2.

Đến năm 2030, BASF dự kiến 100% nhu cầu điện năng toàn cầu năm 2021 của Tập đoàn sẽ được cung cấp từ năng lượng tái tạo. Điều này là khả thi. Nhà máy mới đã có 100% nguồn cung điện tái tạo. Còn với các nhà máy hiện có, chúng tôi dần ký những thỏa thuận mua điện và liên doanh. Tôi nghĩ đây là thành tựu lớn nhất của chúng tôi. Tại Hàn Quốc và Nhật, điểm nghẽn nằm ở nguồn cung chứ không phải nhu cầu. Ai cũng muốn sử dụng điện tái tạo đã đẩy giá điện tăng cao. Còn tại Việt Nam, chưa có nhiều công ty sẵn lòng trả thêm chi phí cho điện tái tạo.  

Điều kiện tiên quyết cho đổi mới là R&D (nghiên cứu và phát triển). Chúng tôi dành khoảng 1/3 lợi nhuận và 10% nhân sự, tương đương 10.000 người cho R&D. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi và tài sản lớn nhất của chúng tôi là bằng sáng chế.

Chẳng hạn, chúng tôi đã sáng chế một loại nhựa có thể thay thế một số chi tiết trong xe hơi và xe máy. Vật liệu nhẹ hơn giúp giảm chi phí đi lại, giảm phát thải và giúp phương tiện hiệu quả hơn. 15 chi tiết trong xe hơi đã được thay thế như cửa sổ trời. Chúng tôi cũng có hệ thống hoàn trả cho sản phẩm này để đáp ứng yêu cầu EPR sau này. Đó cũng là việc chúng tôi đang làm với pin tại châu Âu và Trung Quốc. Bạn có thể trả pin về nhà máy và chúng tôi tái chế.

Triển vọng để thực hành kinh tế tuần hoàn trong ngành hóa chất tại Việt Nam như thế nào?

Kinh tế tuần hoàn phức tạp hơn trung hòa carbon. Dưới góc độ ngành, đã có khung pháp lý quy định. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện tới đâu. Vai trò nhạc trưởng của Nhà nước có ý nghĩa to lớn. Ví dụ về EPR, các công ty nên được khuyến khích cũng như chế tài để đảm bảo tuân thủ và cạnh tranh lành mạnh. Việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong ngành cũng hết sức cần thiết. Những điều này sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tiến nhanh hơn, mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn.

Mọi người trong chuỗi giá trị nên góp phần truyền thông điệp đến thị trường chung. Chúng ta đã có luật, nhưng cũng cần xây dựng nền tảng năng lực và kiến thức. Đó là lý do chúng tôi tổ chức chương trình tự tay làm thí nghiệm cho trẻ em (BASF Kids’ Lab) và phòng thí nghiệm ảo (BASF Virtual Lab). Người lớn có thể khó thay đổi, nhưng khi trẻ em được dạy dỗ và có kiến thức, bọn trẻ sẽ nói với người lớn trong nhà và như thế chúng ta có cơ hội để thay đổi. Thế hệ tiếp theo cũng là những tài năng và người lao động tương lai.

Nói chung, tôi nghĩ động lực đến từ nhiều góc độ sẽ tốt, nhưng quyền lực lớn nhất thuộc về nhãn hàng và người tiêu dùng và những người khác sẽ đi theo. Nếu những công ty lớn nói họ muốn tái chế 10%, rồi đến 20% theo EPR hoặc theo các luật khắt khe hơn, thì chúng tôi, nhà cung cấp nguyên vật liệu thô và những nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cũng sẽ tuân theo. Với các công ty đa quốc gia như BASF, vai trò của chúng tôi là phát triển công nghệ hoặc phát triển sản phẩm mới để phù hợp với những yêu cầu của các thương hiệu lớn, những người muốn thay đổi. Về phía người tiêu dùng, nếu họ sẵn lòng trả thêm 20-30% cho những sản phẩm có tỉ lệ vật liệu tái chế 20-30%, khi đó mọi người trong chuỗi giá trị sẽ làm theo.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày