Phong Cách Sống

Đặc sắc ballet Kiều

Minh Lan Thứ Bảy | 10/06/2023 08:25

13 suất diễn ở cả TP.HCM và Hà Nội, vở ballet Kiều do biên đạo Tuyết Minh, Phúc Hùng thực hiện vẫn luôn kín chỗ.

Sau cải lương, kịch lấy cảm hứng từ Kiều thì đây là lần đầu Kiều được thể hiện bằng ngôn ngữ múa phương Tây. Nghệ sĩ Tuyết Minh, người ấp ủ ý tưởng thực hiện vở diễn này suốt 10 năm nay, cho biết cái khó của chị chính là làm thế nào để có thể chuyển tải thành công câu chuyện đậm văn hóa sang loại hình ballet mà vẫn không làm mất đi “chất Việt”. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ về tổng thể, từ phục trang, cách dàn dựng cho đến âm nhạc.

Phá cách hay hết cách?

“Tôi chọn ballet vì đây là ngôn ngữ không có biên giới trên sân khấu. Tôi chọn Kiều, một phần vì tình yêu của tôi đối với tác phẩm, phần còn lại vì tôi nhận thấy trong các buổi tiếp các phái đoàn ngoại giao, Kiều luôn là đề tài được chọn chia sẻ. Đây cũng là tác phẩm được dịch sang nhiều quốc gia trên thế giới ở dạng ngôn ngữ văn học. Mong mỏi của tôi là để Kiều có thể hiện đại hơn, đến gần với công chúng hơn qua hình thức ballet”, nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ lý do chọn Kiều kết hợp cùng ballet.

 

Để giải bài toán này, ê-kíp biên đạo đã kết hợp kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với những chắt lọc từ lẩy Kiều, từ nghệ thuật tuồng, chèo và vốn múa dân tộc Kinh. “Một vở diễn mới, mang tâm hồn bản sắc của Việt Nam nhưng phải đạt quy chuẩn của thế giới. Chẳng hạn, phải được diễn tấu trên dàn nhạc giao hưởng lớn, với những khúc thức của những loại hình riêng biệt. Và đối với các tác phẩm ballet, người ta cũng phải nhìn được những khúc thức như duo, trio, những biến tấu solo... Tất cả phải đạt được quy chuẩn của ballet cổ điển châu Âu”, nghệ sĩ Tuyết Minh nhấn mạnh.

Ballet Kiều may mắn khi hội tụ được gần như những tên tuổi tài danh và bền bỉ với nghề trong các lĩnh vực. Bên cạnh Tuyết Minh, Phúc Hùng đảm nhận khâu biên đạo, phần thiết kế, ánh sáng do nghệ sĩ Phúc Hải phụ trách. Phần âm nhạc là sự bổ sung, hòa trộn giữa nhạc sĩ Việt Anh và nhạc sĩ Chinh Ba. Nếu Việt Anh sử dụng nhiều chất liệu dân tộc phối trộn với âm nhạc cổ điển thì Chinh ba thể nghiệm những chất liệu nhạc khác nhau, cả âm thanh điện tử, âm thanh của nhạc bản địa trên mỗi vùng miền, tương tác trực tiếp với phần trình diễn của diễn viên.

Các vai diễn lần lượt được giao cho những tên tuổi của làng ballet như NSƯT Trần Hoàng Yến, Đàm Đức Nhuận, Hồ Phi Điệp, Sùng A Lùng... Sau những buổi diễn đầu tiên, các diễn viên múa trẻ ở thế hệ thứ 2, thứ 3 dần bổ sung thay thế cho những gương mặt gạo cội, nhằm đảm bảo tính linh hoạt của vở diễn cũng như tạo điều kiện cho các tài năng trẻ.

Sự hấp dẫn của ballet Kiều còn đến từ hiệu ứng hologram (kỹ thuật trình chiếu nổi 3 chiều) và các cảnh múa dưới nước cũng như sự bền bỉ sáng tạo của các nghệ sĩ. Việt Anh sẵn sàng viết thêm một chương nhạc cho vở diễn; biên đạo múa và thiết kế cảnh trí luôn cập nhật vở diễn theo phiên bản mới nhất tương ứng với từng không gian biểu diễn; nhiều nghệ sĩ tình nguyện không nhận thu lao...

Đây không phải là lần đầu tiên nghệ sĩ Tuyết Minh chọn làm một vở diễn kết hợp Đông - Tây. Trước ballet Kiều, chị từng có vở Mỵ (năm 2018), lấy cảm hứng từ truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ hòa trộn với nhiều loại hình sân khấu biểu diễn như múa, xiếc, ca trù... Sau Kiều, chị đang ấp ủ nhạc kịch Dế Mèn Phiêu Lưu Ký.

“Đưa các yếu tố của thời hiện đại vào một vở diễn quen thuộc, đậm tính dân tộc để thu hút người xem không hề dễ dàng. Mọi thứ cần có sự cân nhắc, tính toán để không bị lạm dụng. Tuy nhiên, đây là phương thức duy nhất để kéo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đến gần hơn với các loại hình nghệ thuật hàn lâm. Một người trẻ có thể lười đọc khi cầm trên tay quyển sách nhiều điển tích, điển cố nhưng một vở diễn hấp dẫn có thể giữ chân họ đến khi rèm buông xuống”, nghệ sĩ Tuyết Minh cho hay.

Bao giờ đi xa?

Cả Mỵ và Kiều đều là những vở diễn theo đơn đặt hàng của Nhà nước và là các vở chất lượng, đạt được nhiều giải thưởng cũng như sự công nhận của giới chuyên môn với kinh phí đầu tư khoảng 2 tỉ đồng. Song song đó là sự đóng góp vô điều kiện của các nghệ sĩ. Để chúng có thể tiệm cận hơn với khán giả, theo nghệ sĩ Tuyết Minh, cần có những đơn vị đứng ra làm “bà đỡ” để không lãng phí cả tài lực của Nhà nước, sức sáng tạo và sự đóng góp của nghệ sĩ.

 

“Muốn làm được điều này, chính sách và cơ chế hợp tác của Nhà nước cần thông thoáng hơn. Chẳng hạn, nếu một đơn vị tư nhân tiếp quản thì nên có chính sách ưu đãi cho họ về thuế, địa điểm biểu diễn...”, Giám đốc một đơn vị biểu diễn cho hay.

Nghệ sĩ Tuyết Minh nhấn mạnh, các đơn vị đặt hàng luôn cởi mở việc chuyển giao các vở diễn cho những đơn vị khác tiếp quản, trình diễn và quảng bá. Mỵ từng được Nam Hưng Media nhận lời làm “bà đỡ” với tham vọng tạo thành những đêm diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch đến Hà Nội. Kiều hiện đã được chuyển giao cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) phụ trách. Các vở diễn cũng có sự co giãn thích hợp về thời gian để phù hợp với khách du lịch. Vấn đề cốt lõi ở đây là cơ chế cần có sự cởi mở để các đơn vị tư nhân chịu rót tiền đầu tư, quảng bá vở diễn không chỉ ở phạm vi trong nước.

Một nghịch lý khác tồn tại nhiều năm nay chính là việc các đoàn nghệ thuật phải sống trong cảnh “không nhà” và phải thuê mướn địa điểm khi có lịch diễn. Tại TP.HCM, chỉ có 4 nhà hát đáp ứng được yêu cầu biểu diễn là Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Nhà hát Quân Đội. Đối với các loại hình hàn lâm thì Nhà hát Thành phố là lựa chọn đầu tiên và duy nhất vì nằm ở vị trí đắc địa, khán phòng đáp ứng tiêu chí cơ bản của một buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, với sức chứa khoảng 400 người cộng với lịch diễn luôn kín quanh năm, rất khó để các đơn vị biểu diễn chen chân vào Nhà hát Thành phố.

Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm trong bối cảnh thị trường nghệ thuật biểu diễn ảm đạm, các điểm đến tại Việt Nam cực kỳ thiếu vắng những hoạt động trình diễn nghệ thuật có sức lan tỏa. Ngay cả các show nghệ thuật tư nhân như À Ố Show, Sương Sớm - từng tạo được tiếng vang tại thị trường quốc tế, khi trình diễn tại Việt Nam cũng chỉ hoạt động cầm chừng, một mặt vì chật vật với điểm diễn, mặt khác vì sức chứa quá nhỏ của nhà hát dẫn đến việc thu không bù đủ chi.

Nghệ thuật cách tân để tồn tại là điều các nghệ sĩ đã ý thức, các hội nhà nghề cũng đã nhận ra. Nhưng cơ chế biểu diễn và điểm diễn bao giờ mới được khơi thông.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày