Thế giới

Donald Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris: Vắng mợ, chợ vẫn đông?

Thứ Ba | 06/06/2017 17:43

Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp lượng khí thải carbon của ngành năng lượng toàn cầu không thay đổi, dù nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng.

Hôm thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút lui khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement), với lý lẽ là hiệp định này gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Như vậy, Mỹ sẽ trở thành 1 trong 3 quốc gia hiếm hoi trên toàn cầu không tham gia vào hiệp định này, bên cạnh Nicaragua và Syria.

Mặc dù sớm nhất là phải tới tháng 11/2020 thì điều này mới có thể trở thành hiện thực, nhưng Trump cũng đã nhận được sự chỉ trích dữ dội từ những người trước đây từng ủng hộ ông. Tỷ phú công nghệ Elon Musk (Tesla, SpaceX) và CEO Bob Iger (Disney) đã rút khỏi các hội đồng tư vấn cho Trump. CEO Lloyd Blankfein của Goldman Sachs lần đầu “đăng đàn” Twitter để chỉ trích Trump. Khảo sát mới của Washington Post - ABC News cho thấy 59% dân Mỹ phản đối quyết định của Trump, và 42% cho rằng điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Donald Trump rut khoi hiep dinh khi hau Paris: Vang mo, cho van dong?
Nước Mỹ hiện tạo ra khoảng 14% lượng khí thải carbon toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Theo bình luận của nhà báo Chris Bryant tại Bloomberg, quyết định của Trump là “ngốc nghếch và tự gây hại cho chính mình”, nhưng đồng thời ông cũng cho rằng “điều này không gây ảnh hưởng nhiều như bạn nghĩ”.

Xét cho cùng, việc chuyển hóa nền kinh tế toàn cầu theo hướng phi carbon hóa (decarbonizing) là một cơ hội trị giá hàng ngàn tỷ USD trong các lĩnh vực sản xuất & phân phối điện cũng như các phương tiện vận tải mới. Là tổng thống Mỹ, đúng ra Trump nên giúp đỡ các công ty Mỹ giành lấy miếng bánh càng lớn càng tốt trong thị trường này, thay vì cố bảo vệ ngành sản xuất than như ông vẫn hay hô hào. Ngành than tại Mỹ chỉ tạo ra 50.000 việc làm, bằng khoảng 20% số việc làm trong ngành năng lượng mặt trời.

Donald Trump rut khoi hiep dinh khi hau Paris: Vang mo, cho van dong?
Trump cầm tấm bảng "Trump yêu than đá". Ảnh: wp.com

Về mặt cá nhân, có lẽ Trump cũng quên rằng những khoản đầu tư bất động sản quý giá của ông ở bang Florida có thể biến mất dưới nước biển, khi đây là một trong những tiểu bang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất nước Mỹ.

Theo Bryant, đây là 5 nguyên nhân tại sao dù Trump rút khỏi hiệp định Paris thì thế giới vẫn tiến lên phía trước mà không cần ông ta:

1. Trump không thể ngăn cản được quá trình phi carbon hóa

Việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít tạo ra khí thải hơn đã và đang diễn ra, nhờ các lý do kinh tế chứ không còn cần động lực từ chính sách. Tại Mỹ, chi phí sản xuất điện từ các nhà máy điện khí đốt chu trình hỗn hợp (combined cycle natural gas plant) và điện gió trên bờ đã trở nên rẻ hơn điện than, theo tính toán từ Bloomberg New Energy Finance.

Điện mặt trời cũng đã trở nên cạnh tranh hơn, với chi phí pin mặt trời dự kiến giảm 2/3 từ đây cho tới năm 2040. Tính toán của BNEF cũng cho thấy việc giảm giá ăcquy sẽ giúp xe hơi điện có giá cạnh tranh kể từ năm 2025. Về lâu dài, những công nghệ có ưu thế về giá cả sẽ chiến thắng.

Donald Trump rut khoi hiep dinh khi hau Paris: Vang mo, cho van dong?
Nhiều loại năng lượng sạch tại Mỹ đã có giá thành tính trên MWh rẻ hơn than. Ảnh: GE

2. Công nghệ sạch đã bắt đầu chặn được đà gia tăng khí thải

Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp lượng khí thải carbon của ngành năng lượng toàn cầu không thay đổi, dù nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế không còn phải kéo theo gia tăng khí thải. Tại Mỹ, việc chuyển đổi từ điện than sang điện khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo đã khiến lượng khí nhà kính giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua. Dĩ nhiên, chừng này là chưa đủ để chặn đứng việc Trái đất nóng dần lên, nhưng nó cũng cho thấy sức mạnh của thị trường trong việc bảo vệ môi trường.

Donald Trump rut khoi hiep dinh khi hau Paris: Vang mo, cho van dong?
Lượng khí thải carbon toàn cầu từ năm 1980 đến năm 2016. Ảnh: Bloomberg

3. Công nghệ là nhân tố quyết định, chứ không phải Trump

Các doanh nghiệp không thể nhắm mắt làm ngơ với các tiến bộ công nghệ. Chính trị có thể gây ảnh hưởng nhất thời, nhưng về lâu dài thì công nghệ mới là người chiến thắng.

Hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện Tesla đã vượt qua các ông lớn lâu đời như General Motors và Ford Motor, cho thấy giới đầu tư tin tưởng thế nào vào tương lai của công nghệ xe điện.

Cách đây 10 năm, 2 tập đoàn điện lực Eon và RWE còn nằm trong số các công ty có giá trị nhất nước Đức, nhưng việc không thích nghi kịp với thời cuộc đã khiến họ bị thua lỗ hàng tỷ euro. Giờ đây, cả Eon và RWE đã quyết định tách rời các bộ phận sản xuất điện dựa trên năng lượng hóa thạch khỏi các bộ phận năng lượng tái tạo, nhằm dồn sức tập trung cho năng lượng tái tạo.

Donald Trump rut khoi hiep dinh khi hau Paris: Vang mo, cho van dong?
Dù có doanh số còn khá khiêm tốn, nhưng Tesla đã qua mặt cả GE và Ford về mặt giá trị vốn hóa. Ảnh: Business Insider

4. Các doanh nghiệp Mỹ phải suy nghĩ về cục diện toàn cầu (và thế giới hậu Trump)

Các công ty nằm trong danh sách S&P 500 (500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ) có tới 40% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Không như Trump, họ không thể phớt lờ chuyện Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục duy trì cam kết với hiệp định Paris. Và khi các lãnh đạo doanh nghiệp ra các quyết định đầu tư và nghiên cứu, họ tính đến vài thập kỷ tới, chứ không phải nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống. Trump có thể hạ tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi tại Mỹ, nhưng các hãng xe vẫn sẽ theo đuổi công nghệ xe điện. 5 công ty lớn nhất nước Mỹ là các hãng công nghệ Apple, Google, Amazon, Microsoft và Facebook đều công khai ủng hộ hiệp định Paris.

Donald Trump rut khoi hiep dinh khi hau Paris: Vang mo, cho van dong?
Lượng khí thải carbon của ngành năng lượng Mỹ đã liên tục giảm trong 10 năm qua. Ảnh: EIA

5. Các cổ đông cũng quan tâm đến môi trường

Hôm thứ Tư tuần rồi, đa số các cổ đông của tập đoàn năng lượng Exxon Mobil đã bỏ phiếu yêu cầu ban lãnh đạo hãng phải tiết lộ xem biến đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh như thế nào. Các nhà đầu tư cũng đang gây áp lực lên các công ty dầu mỏ phải chứng tỏ được rằng họ có thể giữ chi phí khai thác ở mức thấp, để đề phòng kẹt vốn khi nhu cầu tiêu thụ dầu đi xuống. Trump có thể mở cửa các khu bảo tồn thiên nhiên cho việc khai thác dầu, nhưng không có nghĩa là sẽ có ai muốn khai thác tại đó.

Cũng trong cùng ngày với việc Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định Paris, chỉ số S&P 500 vẫn chốt phiên ở mức kỷ lục. Theo Bryant, có thể là thị trường đang chủ quan trước viễn cảnh thảm họa khí hậu, nhưng cũng có thể là mọi người đang phớt lờ việc một cá nhân đơn lẻ cố cản lại xu hướng tất yếu của tương lai.

Tuấn Minh

Nguồn Bloomberg Gadfly


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày