Thế giới

Du lịch toàn cầu sẽ "thăng hoa"?

Bảo Hân Thứ Tư | 21/06/2023 11:39

Công việc kinh doanh của ngành du lịch đang rất sôi động, nhưng chỉ ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Getty Images.

Sau một mùa hè rực rỡ, cảm giác thèm thuồng các kỳ nghỉ có thể giảm xuống nhanh như khi nó tăng lên.
Công việc kinh doanh của ngành du lịch đang rất sôi động, nhưng chỉ ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Getty Images.

Việc “du lịch trả thù” đang diễn ra sôi nổi và ngành du lịch đang hái ra tiền. Sau một vài năm khó khăn, xu hướng vung tiền mua vé máy bay và khách sạn được thiết lập để mang lại thu nhập bội thu. Các công ty lữ hành ngụp lặn trong "biển" lượt đặt phòng; chuỗi khách sạn thì thu về lợi nhuận kỷ lục.

Trong khi đó, hãng hàng không Anh quốc - EasyJet, đã 2 lần nâng dự báo thu nhập trong năm nay; còn Công ty nắm giữ cổ phần đa quốc gia hàng không Anh - Tây Ban Nha - IAG và Ryanair đều có lãi trở lại, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch và Singapore Airlines đang “phân phát” một phần lợi nhuận kỷ lục của mình dưới dạng tiền thưởng, trị giá lên đến 8 tháng lương.

Dự báo "thăng hoa"

 

Với giá vé máy bay tăng nhanh hơn tốc độ tăng của lạm phát, các ông chủ hãng hàng không toàn cầu hiện kỳ ​​vọng thu nhập ròng 9,8 tỉ USD trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với dự báo ban đầu, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, một cơ quan trong ngành.

Các kỳ nghỉ đầy nhộn nhịp đã nâng cao triển vọng cho du lịch quốc tế. Theo ước tính của tổ chức du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc, lượng khách du lịch trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến ​​đạt tới 95% so với mức trước đại dịch, tăng từ 63% vào năm 2022. Giá cổ phiếu của các công ty du lịch, từng sụt giảm vào đầu năm 2022 trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế rình rập, đang tăng trở lại.

Tuy nhiên việc giá cả tăng cao cũng không thể cản bước những du khách tìm kiếm sự ấm áp từ các vùng đất đầy ánh nắng mặt trời. Ông David Goodger từ công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết: “Mọi người đang ưu tiên du lịch hơn các khoản chi tiêu tùy ý khác. Với số tiền mặt rủng rỉnh tiết kiệm được trong thời gian phong tỏa, nhiều người đang vung tiền vào các kỳ nghỉ, ngay cả khi họ cắt giảm chi tiêu cho quần áo hoặc đi ăn ngoài”.

Thực tế đầy khó khăn

 

Và một số yếu tố sẽ quyết định khoảng thời gian tốt đẹp này có thể kéo dài trong bao lâu.

Đầu tiên là một số vấn đề liên quan đến phía nguồn cung của ngành: tình trạng thiếu nhân viên sân bay, chi phí nhiên liệu máy bay tăng cao và hệ thống công nghệ thông tin đang dần lỗi thời, vốn có phần quá tải từ nhu cầu đầu vào năm ngoái, dẫn đến các chuyến bay bị hủy trong thời gian ngắn hoặc trì hoãn kéo dài hàng giờ đồng hồ. Theo The Economist, 1/4 trên tổng số chuyến bay ở Mỹ đã bị hủy bỏ hoặc bị trì hoãn vào mùa hè năm ngoái. Những cuộc khủng hoảng như vậy làm xói mòn lòng tin của du khách và đồng thời cũng rất tốn kém. Southwest Airlines ước tính rằng việc hủy bỏ gần 17.000 chuyến bay trong tháng 12 năm ngoái đã khiến Hãng phải chịu khoản lỗ khoảng 800 triệu USD.

Một câu hỏi lớn hơn liên quan đến nhu cầu. Sau một mùa hè rực rỡ, cảm giác "thèm thuồng" các kỳ nghỉ có thể giảm xuống nhanh như khi nó tăng lên. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tạm dừng đợt tăng lãi suất “chóng mặt”, nhưng lãi suất dự kiến vẫn sẽ tăng thêm một lần nữa trong những tháng tới. Khi Fed và các Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia khác tiếp tục chống lại lạm phát dai dẳng, những người yêu thích du lịch cuối cùng có thể bỏ cuộc.

 

Khách du lịch Trung Quốc, nhóm du khách lớn thứ 3, sau người Mỹ và người Đức vào năm 2019, theo Oxford Economics, có lẽ sẽ không lấp đầy chỗ trống. Kể từ khi các hạn chế về COVID-19 ở Trung Quốc được nới lỏng vào năm ngoái, các điểm đến lân cận như Ma Cao và Thái Lan đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với các điểm xa xôi vẫn còn lạnh nhạt. Accor, một tập đoàn kinh doanh khách sạn “máu mặt”, ước tính rằng khoảng 3/4 du khách Trung Quốc trong năm nay sẽ chọn “staycation” để thay thế.

Việc du lịch nghỉ lễ tạm lắng sẽ là tin xấu đối với một ngành công nghiệp nợ nần chồng chất vốn đang phải đối mặt với chi phí leo thang và đang phục hồi sau những tổn thất trong quá khứ. Chỉ riêng các hãng hàng không đã lỗ 138 tỉ USD vào năm 2020. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's dự đoán chi phí lao động của ngành hàng không sẽ tăng gần 1/5 trong năm nay. Các khách sạn thiếu nhân sự đang gặp nhiều khó khăn để lấp đầy các vị trí mặc dù đã tăng lương. Ở Anh, hóa đơn tiền lương cao hơn 15% so với trước đại dịch. Sau một “kỳ nghỉ lễ” kéo dài nhiều năm, cuối cùng cũng sẽ đến lúc ngành du lịch đối mặt với thực tế kinh tế hiện tại. 

Có thể bạn quan tâm: 

Khi âm nhạc dịch chuyển cả một nền kinh tế

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày