Thế giới

EU đạt "thỏa thuận lịch sử"

Minh Duy Thứ Tư | 22/07/2020 08:50

Nguồn ảnh: Business Insider

Một hành động "đoàn kết chưa từng có" trong gần 7 thập kỷ hội nhập châu Âu.
Nguồn ảnh: Business Insider

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về một quỹ phục hồi trị giá 750 tỉ euro (860 tỉ USD) để tái thiết lại khu vực vốn bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19. Ông Charles Michel - Chủ tịch hội đồng châu Âu bày tỏ: “Tuy nhiên, đây là một thoả thuận gian nan trong một thời khắc cực kì khó khăn của toàn bộ người dân Châu Âu”.

Theo Giám đốc điều hành của EU, thỏa thuận này sẽ mở đường cho Ủy ban châu Âu tăng hàng tỉ euro trên thị trường vốn của 27 quốc gia thành viên, một hành động "đoàn kết chưa từng có" trong gần 7 thập kỷ hội nhập châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ vui mừng với kết quả đạt được sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 4 ngày. Ông Macron cho rằng: “đây là một ngày lịch sử của Châu Âu”.

Sau nhiều tranh luận sôi nổi vì nhiều bất đồng  về các khoản tài trợ và khoản vay cụ thể kể từ thứ sáu tuần trước 17.7, các nguyên thủ quốc gia đã đạt được nhất trí về phương thức sử dụng các nguồn vốn trong cuộc họp mặt lần đầu tiên trong suốt 5 tháng. 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tương tác trong cuộc thảo luận bàn tròn cuối cùng sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu kéo dài 4 ngày tại Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 21.7.2020. Nguồn ảnh: Reuters.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tương tác trong cuộc thảo luận bàn tròn cuối cùng sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu kéo dài 4 ngày tại Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 21.7.2020. Nguồn ảnh: Reuters.

Trước đó, nhiều người cảnh báo sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 leo thang và khiến khả năng tồn tại của khối bị nghi ngờ nghiêm trọng sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và sự ra đi gần đây của Anh.

Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đang gây ra cho châu Âu cú sốc kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II, việc các nhà lãnh đạo bàn nhau về một quỹ phục hồi trị giá 750 tỉ euro (860 tỉ USD) và ngân sách EU 2021-27 trị giá hơn 1.000 tỉ euro đã diễn ra từ rất lâu rồi.

Tuy nhiên, mâu thuẫn và khúc mắc luôn tiềm ẩn trong cách hành xử giữa kẻ giàu và người nghèo. Một nhóm các quốc gia Bắc Âu giàu có như Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển liên tục ngăn chặn tiến trình hội nghị kể từ khi có tiếng kêu gọi sự “chung lưng đấu cật” trên khắp lục địa già.

Những nước giàu muốn kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các nền kinh tế “mắc nợ” bên cạnh Địa Trung Hải. Họ ủng hộ các khoản vay “phải trả” hơn là các khoản tài trợ miễn phí. Các nước giàu yêu cầu sự “trách nhiệm” từ các nước “nghèo hơn” thay cho việc “ngửa tay” chờ trợ cấp.

Bên cạnh đó, EU đã vật lộn với câu chuyện kéo dài về việc Anh rời khỏi khối và cũng bị bầm dập bởi những khủng hoảng trong quá khứ, từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến các vấn đề về di nhập cư.

Ngoài ra, một cú sốc kinh tế khác có thể khiến EU phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Đương nhiên, điều này cũng làm suy yếu lập trường chống lại Trung Quốc, Mỹ hoặc Nga trong thời gian tới.

Ông Florian Hense - nhà kinh tế học của Ngân hàng Berenberg lo ngại: “Bất chấp mọi nỗ lực, các quốc gia thành viên vẫn ở quá xa nhau về các vấn đề chính để đạt được thỏa thuận trong tuần này”.

“Một câu lạc bộ cứng đầu” gồm 27 nhà lãnh đạo các nước, mỗi người có quan điểm riêng biệt, hội nghị thượng đỉnh lần này bộc lộ nhiều quan điểm “cực đoan và ích kỷ” vì những lợi ích quốc gia cá nhân hơn là việc xem xét trên bình diện chung.

“Những cuộc cãi vã” làm kéo dài hội nghị thượng đỉnh, khiến nó trở thành hội nghị dài thứ 2 trong lịch sử EU, chỉ kém hơn 20 phút so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2000 tại Nice, Pháp.

Và cuối cùng điều mà người ta chờ đợi đã được thông qua. Mọi thứ cuối cùng đã tìm được điểm tới hạn chung giữa các quốc gia.

Ngay lập tức, các thị trường chứng khoán trên khắp Liên minh châu Âu khởi sắc trở lại và đồng euro chạm mức cao nhất trong 4 tháng, đạt tỷ lệ 1,1470 so với đồng USD.

Trong không khí hào hứng, ông Charles Michel chia sẻ: “Thỏa thuận này gửi một thông điệp cụ thể rằng, châu Âu là một lực lượng hành động, một khối thống nhất và không chia rẽ”.

Các nhà lãnh đạo đồng ý phân phối 390 tỉ euro (tương đương 4,4 tỉ USD) vào các khoản tài trợ không hoàn trả, ít hơn so với đề xuất ban đầu là 500 tỉ euro (641 tỉ USD) do bị “4 nước thanh đạm” Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch phản đối.

Khoản vay lãi suất thấp trị giá 360 tỉ euro (412 tỉ USD) đều được 27 thành viên, bao gồm cả "4 nước thanh đạm" đồng ý. Tuy nhiên cũng có những quan ngại cho rằng các quỹ này chỉ dành riêng cho cuộc khủng hoảng sức khoẻ thay vì bao gồm cả hỗ trợ nền kinh tế.

Ban đầu, quỹ hỗ trợ được đề nghị ở mức 500 tỉ euro tiền tài trợ và 250 tỉ euro tiền vay. Khoản nợ khổng lồ sau chương trình hỗ trợ của EU dự kiến sẽ được trả vào năm 2058.

Trong khi diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đã cũng đồng thuận một chương trình ngân sách 7 năm và gói hỗ trợ COVID-19 nhắm đến việc xây dựng lại khối, đồng thời hỗ trợ đầu tư và quá trình chuyển đổi công nghệ xanh và số hoá.

Ông Sam Cooper - phó chủ tịch ngân hàng Silicon Valley cho biết, kết quả tích cực của hội nghị thượng đỉnh Brussels sẽ trấn an nhiều doanh nghiệp đang hi vọng mỏi mòn vào thoả thuận của một chương trình kích thích phục hồi.

Chỉ số DAX chuẩn của Đức đã tăng 1,5% trong giao dịch sớm ở châu Âu, tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng. Chỉ số Euro Stoxx 50 lục địa tăng 1,3%.

Nguồn ảnh: Business Insider
Nguồn ảnh: Business Insider

Mặc dù đồng euro ban đầu bị bán tháo sau khi xảy ra tình trạng "mua giả, bán thật", nhiều nhà đầu tư hoan nghênh sự biến chuyển và xem sự suy giảm trong ngày như một cơ hội đầu tư lâu dài vào đồng euro.

“Thỏa thuân lịch sử” thì như vậy nhưng kế hoạch phục hồi hiện vẫn phải đối mặt với việc thông qua Nghị viện châu Âu và nó phải được tất cả các quốc gia EU phê chuẩn. Tiền có vẻ đã có nhưng “bao giờ giải ngân” mới là điều các nhà kinh tế đang quan tâm. Trong năm nay hay đầu năm tới có lẽ còn chưa biết được!

Có thể bạn quan tâm:

► ASEAN +3 tăng cường hợp tác chống lại COVID-19


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày