Thế giới

Kinh tế Trung Quốc thu hẹp 6,8% trong quý I, lần tăng trưởng âm đầu tiên trong nhiều thập niên

Vũ Hạo Thứ Sáu | 17/04/2020 10:33

Ảnh: Bloomberg

Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận đợt tăng trưởng âm đầu tiên trong nhiều thập niên, khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt phần lớn hoạt động.
Ảnh: Bloomberg

Trong quý I, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc suy giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, thành quả tệ nhất kể từ ít nhất năm 1992 (thời điểm các số liệu về GDP hàng quý chính thức được công bố), tệ hơn dự báo giảm 6% của các chuyên gia.

Sản lượng từ nhà máy giảm 1,1% trong tháng 3/2020, doanh số bán lẻ trượt 15,8%, trong khi đầu tư giảm 16,1% trong 3 tháng đầu năm 2020.

Sản lượng, tiêu thụ giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg
Sản lượng, tiêu thụ giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg

Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ cảm thấy hào hứng từ những cải thiện đáng chú ý về sản lượng công nghiệp – vốn đã giảm ở mức hai con số trong 2 tháng đầu năm 2020. Một điều cần phải lưu tâm ở đây là người tiêu dùng sẽ lấy lại bao nhiêu tự tin khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ?

“Dữ liệu xác nhận Trung Quốc hiện đang hồi phục dần dần”, ông Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, nhận định. “Dù vậy, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy lượng tiêu thụ cần có thời gian để hồi phục, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn chuyển tiếp giữa phong tỏa và vắc-xin”.

Thị trường Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng sau thông tin về GDP quý I, khi nhà đầu tư có lẽ đã đoán trước phần nào. Chỉ số Shanghai Composite đang tăng 0,8%, trong khi Hang Seng leo dốc 2,6% tại Hồng Kông.

Nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình thế ngặt nghèo vào cuối tháng 1/2020 khi đại dịch COVID-19 từ Vũ Hán bắt đầu lan rộng ra cả Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đóng cửa phần lớn trong tháng 2/2020, với các nhà máy và cửa hàng mua sắm đều đóng cửa, trong khi người lao động chôn chân ở nhà. Quá trình khởi động lại hoạt động vẫn diễn ra chậm chạp đến mức đáng thất vọng và tỷ lệ hoạt động trở lại chỉ tăng lên khoảng 90% vào cuối tháng 3/2020, Bloomberg Economics ước tính.

Để chắn bớt tác động về kinh tế, Trung Quốc đã tung ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ, mặc dù không bằng quy mô của các quốc gia khác. Các biện pháp này bao gồm 3,55 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương 502 tỷ USD) vốn cho chi phí thấp dành cho các định chế tài chính, 1,29 ngàn tỷ Nhân dân tệ cho trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và 1,6 ngàn tỷ nhân dân tệ cắt giảm một vài loại thuế.

Để đẩy nhanh đà hồi phục, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đang thực hiện các chính sách khác như nâng tỷ lệ thâm hụt/GDP, phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt và tăng hạn ngạch về trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương.

Kim ngạch xuất khẩu giảm yếu hơn dự báo trong tháng 3/2020 khi năng lực sản xuất dần dần khôi phục lại. Tuy vậy, các nhà kinh tế vẫn cảnh báo về những “cơn gió ngược” lớn hơn ở phía trước khi phần lớn thế giới đóng cửa và nhu cầu nước ngoài giảm mạnh.

“Hầu hết nền kinh tế lớn vẫn đang trong trạng thái phong tỏa”, ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley Asia, cho biết. “Kết quả là tăng trưởng quý II/2020 sẽ thấp, chỉ cao hơn một chút so với mức 0”.

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày