Thế giới

Lạm phát cao: Chỉ là tạm thời hay đáng báo động?

Mai Nam Thứ Năm | 01/07/2021 15:42

Chính phủ Mỹ cũng đang tính đến khả năng lạm phát giữ ở mức thấp khi một số điểm nghẽn được giải quyết, thị trường việc làm tăng trưởng toàn diện. Ảnh: Oxford.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng COVID-19.
Chính phủ Mỹ cũng đang tính đến khả năng lạm phát giữ ở mức thấp khi một số điểm nghẽn được giải quyết, thị trường việc làm tăng trưởng toàn diện. Ảnh: Oxford.

Theo CNBC, khoản tiết kiệm khẩn cấp của nhiều người có thể có nguy cơ mất giá do lạm phát. Chi phí tăng, trong khi lãi suất thấp khiến việc kiếm lợi nhuận từ tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm càng khó khăn hơn.

Trong bối cảnh bình thường, nếu thị trường liên tục xuất hiện những con số cho thấy lạm phát tăng như gần đây thì có nghĩa là mọi thứ đang trong tình trạng báo động đỏ.

Tuy nhiên, trong đại dịch, chúng chỉ là một sự xác nhận cho bức tranh lạm phát trong vài quý gần đây chẳng có gì đặc biệt ngoài việc tuân theo quy luật. Nói cách khác, giá cả hàng hóa tăng là do tắc nghẽn nguồn cung và sự so sánh số liệu một cách khập khiễng với thời gian một năm trước, thời điểm phần lớn nước Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa.

Số liệu mà các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) muốn trích dẫn nhất khi đề cập đến lạm phát là tình hình chi tiêu của tháng 5. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4.1992.

Lạm phát chính của Mỹ đã tăng lên 5% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8.2008. Ảnh: The Guardian.
Lạm phát chính của Mỹ đã tăng lên 5% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8.2008. Ảnh: The Guardian.

Mặt khác, cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ tại Mỹ đều tăng. Đây là điều mà thị trường lại ít chú ý tới. Nguyên nhân là ngay cả khi số liệu trên khiến giới chuyên gia phải so sánh với thời kỳ những năm 1970 thì cũng vẫn đang diễn biến theo như những ai dự đoán PCE giảm dần rồi ổn định ở mức thấp hơn.

“Mức PCE hiện nay phù hợp với việc lạm phát giá cao sẽ chỉ là tạm thời và nó liên quan đến việc tái mở cửa nền kinh tế cũng như một số gián đoạn trong nguồn cung khi tái mở cửa quá nhanh”, Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s Analytics nói.

Ít nhất trong ngắn hạn, quan điểm cho rằng lạm phát sẽ giảm dần vào một thời điểm nào đó là điều khá dễ chịu đối với những ai đang phải chịu cảnh chi phí “đội” cao.

Giá cả hàng hóa tăng gần đây là do tắc nghẽn nguồn cung và sự so sánh số liệu một cách khập khiễng với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Forbes.
Giá cả hàng hóa tăng gần đây là do tắc nghẽn nguồn cung và sự so sánh số liệu một cách khập khiễng với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Forbes.

Mọi thứ, từ vé máy bay tới giá phòng khách sạn, chi phí mua nhà, đều đang trên đà tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số giá sản xuất tăng 6,6%, ghi nhận mức tăng nhanh nhất lịch sử. Nói chung, người tiêu dùng đang phải chi trả nhiều hơn cho mọi thứ.

Giá xăng trên khắp nước Mỹ tăng 20% so với mức trước đại dịch và tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết: tại các cửa hàng tạp hóa, giá thịt xông khói tăng 18,7%, giá thịt nguội tăng gần 8% và giá sữa tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số này khiến các quan chức của FED phải cẩn thận theo dõi tình hình lạm phát để xem liệu có nên và khi nào dừng chính sách nới lỏng tiền tệ. Nó vốn là biện pháp được áp dụng trong suốt thời kỳ COVID-19 hoành hành.

Lạm phát đã cản trở sự phục hồi trong quá khứ và dữ liệu gần đây cho biết những câu chuyện mâu thuẫn về tốc độ hiện tại.

FED muốn duy trì lạm phát quanh mức 2% nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận mức cao hơn nếu lạm phát trung bình trong dài hạn duy trì quanh mức đó và thị trường việc làm chưa trở lại mức thông thường.

Tuy nhiên, các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu thảo luận về việc có nên giảm quy mô chương trình mua trái phiếu tối thiểu 120 tỉ USD mỗi tháng hay không dù họ vẫn chưa sẵn sàng tăng lãi suất ít nhất cho đến năm 2023.

“Đã đến lúc bắt đầu nói về việc chúng ta nên giảm mua tài sản. Còn thay đổi lãi suất vào thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là việc nên bàn vào lúc nào”, Chủ tịch FED tại San Francisco Mary Daly cho hay.

Trong khi đó, lạm phát lại trở thành chủ đề nóng hổi ở các doanh nghiệp Mỹ. Lãnh đạo các công ty dành nhiều thời gian để nói về mức độ ảnh hưởng của lạm phát đối với hoạt động của họ trong các cuộc họp.

Vài ngày trước, ông chủ của chuỗi nhà hàng Darden dự đoán lạm phát năm 2022 lên 3%, trong đó giá sữa và hải sản tăng 6 – 9%, giá thịt gà và lúa mì tăng 4 – 6%. Trước đó, lãnh đạo của Campbell Soup cũng cho biết chi phí vận chuyển hiện này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh sau thuế.

Nếu xu hướng lạm phát hiện tại không theo đúng kịch bản, đà tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Mỹ trong năm qua có thể nhanh chóng bị chệch hướng. Chính quyền Biden cũng đang tính đến khả năng lạm phát giữ ở mức thấp.

Một quan chức cấp cao ở Nhà Trắng nói: “Chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn, một số điểm nghẽn sẽ được giải quyết, thị trường việc làm sẽ tăng trưởng toàn diện và nền kinh tế hậu COVID-19 sẽ tăng trưởng nhanh nhất có thể”. Thị trường đang phản ứng theo kỳ vọng lạm phát sẽ chậm lại và việc giá cả hàng hóa cao như hiện nay chỉ là tạm thời, một đại diện Nhà Trắng nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Mỹ thách thức ngoại giao vaccine của Trung Quốc


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày