Thế giới

Lợi thế thị trường lao động đang chuyển dịch về Đông Nam Á

Thứ Hai | 23/07/2012 13:26

Các hoạt động sản xuất đơn giản sẽ chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường rẻ hơn như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Bangladesh.
Các cường quốc sản xuất bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước có dân số già đi nhanh nhất thế giới, trong khi các nước Đông Nam Á lại là những nước có dân số trẻ nhất trong khu vực.

Lực lượng lao động Philippines sẽ tăng thêm 18 triệu, tương đương 31% lên 75 triệu người vào năm 2020 so với năm 2010. Trong khi đó Malaysia sẽ tăng thêm 19% tương đương 22 triệu người và Indonesia tăng thêm 18 triệu, nâng tổng số người trong độ tuổi lao động của nước này lên 180 triệu người.

Dự báo lực lượng lao động Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 970 triệu người vào năm 2020 sau khi độ tuổi trung bình tăng hơn 3 năm lên 37,8, Merrill Lynch cho biết. Độ tuổi trung bình của Nhật Bản sẽ tăng lên 48,5; Hàn Quốc 43,4 cao hơn so với 23,9 ở Philippines và 28,4 ở Malaysia.

Khi dòng chảy đầu tư, lao động và các nhà máy chuyển dịch sang phía nam để khai thác nguồn lao động trẻ, tốc độ tăng trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đã sẵn sàng tăng tốc, nâng giá trị của các đồng tiền trong khu vực và thúc đẩy sự bùng nổ xu hướng tiêu dùng và tài sản, Bank of America cho biết.

Dân số ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng
Dân số ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng

"Xu hướng già hóa đang diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc và xu hướng này cũng sẽ sớm xuất hiện ở Trung Quốc", Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế trưởng ở Tập đoàn Itochu, tập đoàn kinh doanh lớn thứ 3 Nhật Bản cho biết.

Lợi thế cho khu vực Đông Nam Á là có vị trí địa lý nằm trên một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất và nằm gần Nhật Bản và Trung Quốc, các chủ nợ lớn nhất thế giới. Do đó, đầu tư vào ASEAN sẽ "tiếp tục tăng trong các thập kỷ tới",  Jan Oosterveld, giảng viên Đại học kinh doanh Navarra ở Barcelona cho biết.

Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản sang ASEAN trong năm 2011 tăng gấp đôi lên 19,6 tỷ USD so với năm trước, vượt qua 14,2 tỷ USD của Trung Quốc.

"Các hoạt động sản xuất đơn giản sẽ chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường rẻ hơn như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Bangladesh. Ngoài ra, các ngành công nghiệp tiên tiến hơn sẽ chuyển sang Singapore, Malaysia và Philippines", ông Jan Oosterveld cho biết thêm .

Nguồn cung lao động trẻ là một trong những lý do tại sao Tsuneishi Holdings, tập đoàn đóng tàu lớn thứ 2 Nhật Bản lại đầu tư sang Philippines, nơi độ tuổi trung bình người lao động trẻ hơn một nửa so với người lao động ở Nhật Bản.
Thị trường lao động đang dịch chuyển sang các quốc gia mới nổi như Philippines
Thị trường lao động đang dịch chuyển sang các quốc gia mới nổi như Philippines

Tập đoàn Tsuneishi cũng đang cân nhắc đầu tư các cơ sở đóng tàu khác ở các nước như Indonesia, Philippines và Myanmar, Giám đốc phụ trách hoạt động của tập đoàn tại địa phương Hitoshi Kono cho biết.

Ngoài ra, chi phí lao động tăng cũng là một trong những lý do khiến các công ty ở Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn Mitsumi Electric với hơn 14.000 nhân viên là một trong số các doanh nghiệp đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các thị trường khác như Philippines. "Ở Philippines, thật dễ dàng để tuyển dụng những người lao động tài năng với chi phí thấp hơn", Yoshitsugu Murakami, phát ngôn viên của tập đoàn sản xuất các thiết bị điện tử Mitsumi Electric cho biết.

Theo nhà kinh tế Chua Hak Bin thuộc ngân hàng Merrill Lynch tại Singapore, Philippines là một trong những quốc gia nổi bật ở khu vực Đông Nam Á có thể hưởng lợi nhờ thị trường lao động lớn, với tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 1,5% trong suốt thập kỷ tới.

Trước đó, theo một báo cáo công bố vào tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 8,5% vào năm 2017 so với 9,2% trong năm ngoái trong khi kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng từ 3,7% lên 5% và kinh tế Việt Nam từ 5,9% lên 7,5%.

"Lực lượng lao động phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước tăng nhanh đồng thời cũng sẽ thúc đẩy tỷ giá hối đoái", ông Chua, người từng giữ chức trưởng bộ phận ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Singapore cho biết.

Trong tháng này, Standard & Poor’s đã nâng xếp hạng tín dụng của Philippines lên gần mức đáng đầu tư, mức cao nhất kể từ năm 2003. Trong tháng 1, Moody’s cũng lần đầu tiên nâng xếp hạng của  Indonesia lên mức đáng đầu tư kể từ năm 1997.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày