Thế giới

Nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của người dân

Quỳnh Như Thứ Năm | 02/03/2023 11:41

Người dân Trung Quốc vẫn còn e dè trong việc chi tiêu trở lại. Ảnh: WSJ.

Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu người tiêu dùng Trung Quốc có sẵn sàng vung tiền trở lại, góp phần cho sự phục hồi kinh tế quốc gia hay không?.
Người dân Trung Quốc vẫn còn e dè trong việc chi tiêu trở lại. Ảnh: WSJ.

Sau khi mở cửa trở lại, sức hồi phục kinh tế của Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của người dân đất nước này, tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là “Liệu mọi người có sẵn sàng lấy tiền tiết kiệm từ khi bắt đầu có COVID-19 để chi tiêu hay không?”.

Trong thời gian bị hạn chế bởi các biện pháp chống đại dịch, người dân Trung Quốc đã tích trữ tiền mặt và các khoản tiết kiệm. Việc này đã đẩy tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình của quốc gia này lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Theo ước tính của Goldman Sachs, tỉ lệ đó là 33% GDP, tăng 3 điểm phần trăm so với thời điểm trước đại dịch vào năm 2019. 

Các công ty công nghiệp và nhà máy xuất khẩu lớn cũng có tích lũy riêng. Theo các nhà kinh tế học của Ngân hàng Đầu tư China International Capital, các doanh nghiệp (nhiều công ty thuộc sở hữu Nhà nước) đã bổ sung trung bình 1.100 tỉ USD tài sản lưu động mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức tăng hằng năm là 467 tỉ USD trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. 

Tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Trung Quốc đạt 33% vào năm 2022. Ảnh: Reuters.
Tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Trung Quốc đạt 33% vào năm 2022. Ảnh: Reuters.

Ở Mỹ, nếu tiết kiệm tăng đột biến so với bình thường, đôi khi có thể là do từ một số đợt phát tiền của Chính phủ, sau cùng vẫn sẽ được góp vào dòng chảy của nền kinh tế. Nhưng nhiều người trong giới chuyên môn tự hỏi rằng liệu điều này có thể diễn ra ở Trung Quốc để giúp chi tiêu và đầu tư phục hồi hay không?

Các nhà kinh tế từ Ngân hàng HSBC và Morgan Stanley cho biết việc chấm dứt các chính sách chống dịch nghiêm ngặt Zero Covid của Chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu dịch vụ, nâng mức tăng trưởng tiêu dùng lên ít nhất là khoảng 8% trong năm nay. Dữ liệu đầu năm nay cũng cho thấy từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân Trung Quốc đã bắt đầu ra ngoài để ăn uống, mua sắm, đi chơi và quay lại rạp chiếu phim sau thời gian bị hạn chế.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cảm thấy hoài nghi về điều gì đó. Họ cho rằng vẫn còn rất khó để nghĩ về một sự đảo ngược nhanh chóng. Bởi tâm lý người tiêu dùng hiện tại vẫn chưa chắc chắn tin vào sự khôi phục của nền kinh tế Trung Quốc khi thị trường việc làm bấp bênh, bức tranh tổng quát về thị trường bất động sản còn nhiều ảm đạm. Những điều đó có thể là lý do khiến người tiêu dùng dè chừng, chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn.

 

“Còn quá sớm để kết luận rằng các khoản tiết kiệm dư ra của các hộ gia đình đã tích lũy trong thời gian đại dịch sẽ trở thành nguồn lực hỗ trợ dài hạn cho chi tiêu”, ông David Wang, nhà Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Credit Suisse. 

Mặt khác, nếu sức hồi phục chi tiêu ở Trung Quốc có xu hướng chậm lại thì sẽ làm ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt là giảm doanh thu bán hàng của các tập đoàn lớn như Nike, Starbucks,... và các nhà sản xuất ô tô trên thế giới. Những tác động đó sẽ dẫn đến nhu cầu đối với các mặt hàng như đồng và niken thấp hơn dự kiến. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều doanh nghiệp đang trông chờ vào Trung Quốc, nền kinh tế được dự đoán sẽ chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay do sự tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu bị chững lại. 

Tiết kiệm hộ gia đình tăng lên đã đẩy thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc lên 417,5 tỉ USD vào năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Con số này cho thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng của thương mại toàn cầu mặc dù các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Mỹ, các quốc gia ở châu Âu đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. 

Không rõ khoản tiền tiết kiệm tăng thêm của Trung Quốc chính xác là bao nhiêu, vì mỗi đơn vị tiền thì có một phương pháp tính khác nhau. Ngân hàng Đầu tư Đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cho biết họ tin rằng các gia đình Trung Quốc đã tích lũy được khoảng 3.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 431 tỉ USD) khoản tiết kiệm tăng thêm, hoặc có thể ít hơn 3% GDP trong giai đoạn 2020-2022. Các nhà kinh tế từ Nomura và UBS lại đưa ra con số cao hơn. Nomura cho rằng con số phải lên đến 6.100 tỉ nhân dân tệ (5% GDP) còn UBS là 4.600 tỉ nhân dân tệ (4% GDP). 

Những số trên mặc dù khá lớn nhưng vẫn thấp hơn so với Mỹ. Các hộ gia đình Mỹ tích lũy khoản tiền tiết kiệm lên đến 2.300 tỉ USD trong giai đoạn 2020 đến tháng 9/2021. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khoản tiết kiệm tích lũy của người dân Mỹ được ước tính tương ứng khoảng 10% GDP đất nước năm 2021.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Rhodium, phần lớn các khoản tiền tiết kiệm được các hộ gia đình Trung Quốc đang nằm trong kỳ hạn 3-5 năm. Khoản tiền dài hạn này không thể chuyển đổi thành chi tiêu như các khoản tiền gửi ngắn hạn.

Ở một mặt khác, tuy các công ty lớn của Trung Quốc có thể tiết kiệm tiền bằng cách trì hoãn đầu tư và vận hành trong thời gian dịch bệnh nhiều biến động nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ lại cần tiền để duy trì sự tồn tại của mình. Không ít công ty nhỏ đến bây giờ vẫn còn bấp bênh vì tài chính hoặc nhiều trường hợp khác đã phá sản.

Có thể bạn quan tâm: 

Tỉ phú Elon Musk trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới

Nguồn WSJ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày