Thế giới

Ngành công nghiệp thức uống nhanh sẽ "vượt mặt" đồ ăn nhanh về lợi nhuận?

Hải Miên Thứ Năm | 01/02/2024 13:59

McDonald's trong tháng này đã ra mắt CosMc's, thương hiệu con mới hướng đến đồ uống mang đi. Ảnh: Getty Images.

Doanh số bán hàng tại các chuỗi cà phê, đồ uống và đồ ăn nhẹ đặc sản đang tăng nhanh hơn nhiều mô hình nhà hàng tập trung vào thực phẩm.
McDonald's trong tháng này đã ra mắt CosMc's, thương hiệu con mới hướng đến đồ uống mang đi. Ảnh: Getty Images.

Đồ uống hương trái cây tràn đầy năng lượng thêm lớp kem phủ lạnh được ưa thích không chỉ bởi học sinh trung học, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội mà còn cả một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn trên thế giới.

McDonald's trong tháng này đã ra mắt CosMc's, thương hiệu con mới hướng đến đồ uống mang đi. Vào tháng 12, Taco Bell đã bắt đầu thử nghiệm thức uống pha trộn hương vị mới. Trong khi, Jack in the Box không ngừng quảng bá mình là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên phục vụ đồ uống có trân châu, sẽ ra mắt trên toàn quốc vào tháng 11.

 

Các chuỗi cửa hàng vốn nổi tiếng với hamburger và bánh burritos đã bắt đầu tập trung vào mức độ sẵn lòng chi tiêu cho đồ uống của người tiêu dùng, những sản phẩm có thể sinh lời nhiều hơn cả đồ ăn nhanh. Pink Drink, Iced Shaken Espresso và các loại đồ uống mới lạ khác đã giúp mang lại doanh thu kỷ lục cho Starbucks trong những năm gần đây, lên đến 1 tỉ USD chỉ tính riêng ở thị trường Mỹ.

Dutch Bros, 7 Brew, và các chuỗi mới khác cũng đang thúc đẩy làn sóng đồ uống bằng cà phê pha lạnh và nước tăng lực có màu sắc rực rỡ, những mặt hàng với tỉ suất lợi nhuận cao hơn nhiều chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.

“Đó chắc chắn là một thị trường khổng lồ”, Giám đốc Điều hành McDonald's Chris Kempczinski nói.

Theo các công ty và khảo sát, Gen Z, sinh từ năm 1997-2012, quan tâm đến đồ uống mới hơn các thế hệ khác.

Theo khảo sát hơn 1.000 người tiêu dùng ở các độ tuổi đầu năm nay của Công ty khảo sát Morning Consult, có khoảng 62% người tiêu dùng Gen Z cho biết, họ đã thử một loại đồ uống mới trong tháng qua, vượt xa xu hướng thử các sản phẩm đóng gói, món ăn hoặc nhà hàng mới.

 

Cô Sophia Khorsandi, một sinh viên 15 tuổi đến từ Atlanta, trung bình đến Starbucks, Dunkin' và các chuỗi cửa hàng khác khoảng 5 lần/tuần để mua đồ uống và đồ ăn nhẹ, cho biết: “Rất dễ bị nghiện". Thói quen này làm cô tiêu tốn khoảng 240 USD một tháng: “Những chuỗi nhà hàng này khiến tôi khá nghẹt thở”.

“Những người trẻ tuổi thực sự thích đồ uống. Họ không còn thích soda và tìm kiếm nhiều loại thức uống thay thế khác nhau”, Giám đốc Điều hành Smoothie King, ông Wan Kim, cho biết. Ông Kim nói thêm chuỗi đồ uống gồm 1.300 chi nhánh của mình đang hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và tung ra các hương vị mới để cố gắng thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Technomic, doanh số bán hàng tại các chuỗi cà phê, đồ uống và đồ ăn nhẹ đặc sản đang tăng nhanh hơn nhiều mô hình nhà hàng tập trung vào thực phẩm. Technomic cho biết doanh số bán hàng của chuỗi đồ uống và đồ ăn nhẹ đã tăng 14,3% vào năm 2022 so với năm trước và doanh số tại các cửa hàng cà phê tăng 13,2%. Hamburger mang lại doanh thu tổng thể cao hơn vào năm ngoái, nhưng chỉ tăng 4,7% trong cùng khoảng thời gian. 

Các chuỗi tập trung vào đồ uống thường mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn các thương hiệu lấy thực phẩm làm định hướng, vì chúng thường có quy mô nhỏ hơn và cần ít lao động hơn, các Giám đốc Điều hành chuỗi cho biết. Starbucks và Dutch Bros đạt lợi tức đầu tư trung bình cao hơn vào năm ngoái so với Wendy’s, Domino’s Pizza  hoặc McDonald's, theo số liệu từ BofA Securities.

Có thể bạn quan tâm: 

Nhiều công ty hàng không vũ trụ đang đứng trước lằn ranh sinh tử

Nguồn WSJ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày