Thế giới

Nhà đầu tư ngoại kén chọn trước thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu

Nguyên Hồ Thứ Tư | 14/08/2024 13:27

Trung Quốc đang phải vật lộn để phục hồi tâm lý đầu tư bất động sản kể từ khi triển khai các chính sách hạn chế vào năm 2020. Ảnh: Yusuke Hinata.

Vốn đầu tư của Singapore tăng lên trong khi nhà đầu tư phương Tây tránh xa các bất động sản thương mại Trung Quốc.
Trung Quốc đang phải vật lộn để phục hồi tâm lý đầu tư bất động sản kể từ khi triển khai các chính sách hạn chế vào năm 2020. Ảnh: Yusuke Hinata.

Bất động sản thương mại Trung Quốc đang trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại khi thị trường bất động sản nước này còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số nhà đầu tư còn lại kỳ vọng vào các dự án ngách, thân thiện với môi trường.

"Chúng tôi đã thấy một số lo ngại, đặc biệt là từ các nhà đầu tư bất động sản có trụ sở tại Mỹ", bà Christine Li, Giám đốc nghiên cứu APAC tại công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, cho biết.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, các giao dịch xuyên biên giới vào các bất động sản thương mại của Trung Quốc - bao gồm văn phòng, công nghiệp, khách sạn, bán lẻ và căn hộ - đạt tổng cộng 3,3 tỉ USD, giảm 13% so với một năm trước, theo dữ liệu từ nhóm nghiên cứu đầu tư MSCI.

Theo dữ liệu do MSCI tổng hợp, các nhà đầu tư Hoa Kỳ chỉ đầu tư 600 triệu nhân dân tệ, ít hơn một phần mười tổng số tiền đầu tư của Singapore.

Mặc dù vốn của Singapore đã tăng 80% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng hơn 1/3 so với mức đỉnh điểm trong nửa cuối năm 2019, khi nước này rót 22 tỉ nhân dân tệ vào thị trường đại lục.

Nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài "xa lánh" BĐS thương mại Trung Quốc.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ khi chính phủ đưa ra các chính sách hạn chế hoạt động vay nợ của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2020. Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này, hiện đang thanh lý với khả năng nhà đầu tư nước ngoài có thể thu hồi được chi phí là rất ít, trong khi một số nhà phát triển tư nhân khác đang bị đưa ra tòa để nộp đơn xin phá sản.

Sự sụp đổ của ngành này đã giáng một đòn mạnh vào lòng tin của các gia đình Trung Quốc tích lũy của cải trong nhiều thập kỷ qua bằng cách đặt cược vào giá bất động sản tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng giá trị đầu tư bất động sản của Trung Quốc đã giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 525,3 nghìn tỉ nhân dân tệ.

Quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore, luôn là người mua hàng đầu trên thị trường bất động sản Trung Quốc, đã cảnh báo rằng đất nước này đã "đi đến hồi kết của mô hình tăng trưởng" dựa trên bất động sản và phát triển bất động sản. Kết quả là nhận thức của các nhà đầu tư về tiềm năng dài hạn của các khoản đầu tư bất động sản Trung Quốc đã "đột nhiên bị cắt giảm", Giám đốc đầu tư của GIC Jeffrey Jaensubhakij cho biết vào tháng 7.

Những thách thức về mặt cấu trúc của Trung Quốc đã thúc đẩy một số nhà đầu tư chuyển hướng tập trung. Keppel Corp. của Singapore cho biết họ đã nỗ lực "giảm rủi ro" danh mục đầu tư của mình khỏi Trung Quốc trong vài năm qua.

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập vào ngày 1/8, Tổng giám đốc điều hành của Keppel Loh Chin Hua cho biết công ty quản lý tài sản này đã bán quỹ đất tại Trung Quốc trị giá khoảng 3 tỉ dollar Singapore (2,2 tỉ USD) và ghi nhận "khoảng một tỉ USD lợi nhuận" trong vài năm qua.

Keppel cho biết họ cũng đã thoái vốn 280 triệu dollar Singapore bất động sản trong năm nay, bao gồm một dự án nhà ở tại Wuxi, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực kiếm tiền từ khoản đầu tư của mình, ông Loh cho biết nhìn chung các cơ hội ở quốc gia này vẫn khó khăn so với các thị trường khác, chẳng hạn như Singapore và Việt Nam.

Công ty hiện đang tập trung vào các dịch vụ bất động sản liên quan, chẳng hạn như cung cấp tư vấn và phát triển để cải tạo các tòa nhà cũ để chúng bền vững hơn với môi trường. Vào tháng 10, Keppel đã đóng một quỹ đầu tư tập trung vào Trung Quốc trị giá 1,6 tỉ nhân dân tệ cho các chương trình đổi mới đô thị bền vững, tập trung vào việc cải tạo và tái sử dụng các tòa nhà hiện có.

Giá nhà tại 70 thành phố hàng đầu Trung Quốc tiếp tục giảm (theo %). Ảnh: Nikkei Asia.
Giá nhà tại 70 thành phố hàng đầu Trung Quốc tiếp tục giảm (theo %). Ảnh: Nikkei Asia.

Ông Xavier Lee, một nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại Morningstar, cho biết một số công ty bất động sản Singapore có các dự án đã cam kết tại Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn thành chúng. Theo ông, các công ty này dự kiến sẽ không đột nhiên rút lui, vì lượng thời gian và tiền bạc đáng kể mà họ đã đầu tư.

"Nhưng chúng tôi cũng không mong đợi họ mở rộng mạnh mẽ do thị trường đầy thách thức", ông nói.

Các nhà đầu tư Singapore khác đã bị ảnh hưởng bởi cú đánh kép đến từ việc các loại tiền tệ đại phương bị suy yếu và nhu cầu bất động sản giảm. Mặc dù các yếu tố này xảy ra tại cả Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng triển vọng của các thị trường này lại khác nhau.

Mapletree Pan Asia Commercial Trust, đầu tư vào cả Nhật Bản và Trung Quốc, nhìn thấy triển vọng trái chiều trong lĩnh vực văn phòng. Trong nửa đầu năm nay, quỹ đầu tư bất động sản có trụ sở tại Singapore này đã phải chịu mức thu nhập ròng từ bất động sản giảm ở cả hai thị trường, giảm 5,1% ở Trung Quốc và 17% ở Nhật Bản, so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo quý công bố ngày 30 tháng 7, nhu cầu văn phòng yếu có khả năng sẽ tiếp diễn tại Bắc Kinh và sự phục hồi ở đó phụ thuộc vào môi trường kinh tế vĩ mô. Trong khi nguồn cung mới tại Nhật Bản đang dẫn đến chi phí thuê thấp hơn, thì mức tiêu dùng của nước này có khả năng sẽ tăng lên khi tiền lương thực tế tăng.

Có thể bạn quan tâm: 

Lao động trung niên Nhật Bản đối mặt thực tế khắc nghiệt

Nguồn Nikkei Asia


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày