Thế giới

Sau khủng hoảng năng lượng, châu Âu đối mặt bão giá thực phẩm

Mỹ Quyên Thứ Hai | 29/05/2023 19:00

Giá thực phẩm ở Anh tăng vọt trong tháng 4 so với một năm trước đó. Ảnh: Bloomberg.

Thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn hơn so với năng lượng trong chi tiêu của người tiêu dùng, do đó, mức tăng giá nhỏ vẫn có tác động lớn đến ngân sách.
Giá thực phẩm ở Anh tăng vọt trong tháng 4 so với một năm trước đó. Ảnh: Bloomberg.

Vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, người châu Âu lại phải đối mặt với bão giá lương thực, làm thay đổi chế độ ăn uống và buộc người tiêu dùng trên toàn khu vực phải thắt lưng buộc bụng.

Giá lương thực tăng trong bối cảnh lạm phát chung đang giảm nhờ giá năng lượng thấp hơn, tạo ra thách thức chính sách cho các chính phủ đã viện trợ hàng tỉ USD vào năm ngoái để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

 

Giá lương thực tiếp tục tăng cao đã khiến các ngân hàng trung ương mất cảnh giác và gây áp lực buộc các chính phủ, vẫn đang quay cuồng với chi phí hỗ trợ khẩn cấp năm ngoái, phải ra tay giải cứu. Và giá cả tăng cũng tác động đến những hộ gia đình sống trong thời điểm chi phí đi vay tăng cao.

Tại Pháp, các hộ gia đình đã cắt giảm 10% chi tiêu cho thực phẩm sau cuộc chiến tại Ukraine, trong khi mua năng lượng giảm 4,8%. 

Tại Đức, doanh số bán thực phẩm đã giảm 1,1% trong tháng 3 so với tháng trước và giảm 10,3% so với một năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ khi được ghi nhận vào năm 1994.

Theo Trung tâm Thông tin Nông nghiệp Liên bang, mức tiêu thụ thịt vào năm 2022 thấp nhất kể từ năm 1989, dù điều này có thể một phần phản ánh xu hướng dịch chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Các nhà bán lẻ thực phẩm đã chứng kiến tỷ suất lợi nhuận giảm vì không thể chuyển lạm phát từ nhà cung cấp sang khách hàng. Ông Markus Mosa, giám đốc điều hành của chuỗi siêu thị Edeka, cho biết công ty đã ngừng đặt hàng từ một số nhà cung cấp lớn vì giá tăng chóng mặt.

Một cuộc khảo sát của cơ quan thống kê Vương quốc Anh hồi đầu tháng này cho thấy gần 3/5 trong số 20% hộ gia đình nghèo nhất đang cắt giảm mua thực phẩm.

 

Thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với năng lượng trong chi tiêu của người tiêu dùng, do đó, mức tăng giá nhỏ vẫn có tác động lớn đến ngân sách. Tổ chức Nghị quyết của Vương quốc Anh ước tính rằng vào mùa hè, giá cả thực phẩm tăng kể từ năm 2020 sẽ lên tới 28 tỉ bảng Anh, tương đương 34,76 tỉ USD, vượt xa mức tăng hóa đơn năng lượng, ước tính khoảng 25 tỉ bảng Anh.

Ông Torsten Bell, Giám đốc Điều hành của nhóm nghiên cứu, đã viết: “Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa kết thúc, nó chỉ đang bước vào một giai đoạn mới". 

Thực phẩm không phải là động lực duy nhất của lạm phát. Tại Vương quốc Anh, tỷ lệ lạm phát cơ bản không bao gồm lương thực và năng lượng đã tăng lên 6,8% trong tháng 4 từ mức 6,2% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 1992. Lạm phát cơ bản gần đạt mức cao kỷ lục trong khu vực đồng euro trong cùng tháng. 

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey nói với các nhà lập pháp rằng giá thực phẩm đang gây ra một “cú sốc thứ tư” đối với lạm phát sau các nút thắt chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19; giá năng lượng bùng nổ do chiến tranh Nga-Ukraine và thị trường lao động thắt chặt quá mức.

Chính phủ các nước châu Âu đã chi mạnh tay để hỗ trợ các hộ gia đình khi giá năng lượng tăng cao. Giờ đây, họ có ít khả năng vay hơn do nợ tăng cao kể từ khi đại dịch xảy ra vào năm 2020. 

Gian hàng phô mai trong một khu chợ ở Berlin. Ảnh: Bloomberg.
Gian hàng phô mai trong một khu chợ ở Berlin. Ảnh: Bloomberg.

Một số chính phủ bao gồm cả chính phủ của Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã cắt giảm thuế bán hàng đối với các sản phẩm thực phẩm để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Một số khác dựa vào các nhà bán lẻ thực phẩm để giữ giá cả trong tầm kiểm soát. Hồi tháng 3, Chính phủ Pháp đàm phán một thỏa thuận với các nhà bán lẻ hàng đầu để hạn chế tăng giá nếu có thể.

Tại Ireland và một số nước châu Âu khác, các nhà bán lẻ thực phẩm cũng bị nhà chức trách tăng cường giám sát. Tại Vương quốc Anh, các nhà lập pháp đã mở một cuộc điều tra về toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn.”

Không rõ tại sao giá lương thực lại tăng nhanh như vậy trong một thời gian dài. Trên thị trường hàng hóa thế giới, giá lương thực đã giảm kể từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, chi phí hàng hóa thô chỉ là một phần trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Còn ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng đang trả một số tiền cao bất thường cho quá trình chế biến, đóng gói, vận chuyển, phân phối, từ trang trại đến bàn ăn.

Có thể bạn quan tâm: 

Hàng trăm người Đức phải rời Nga trước tháng 6

Nguồn WSJ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày